Vì sao người ta dễ dàng tin các thuyết âm mưu?
Trái với quan điểm cho rằng nhiều người tin vào các thuyết âm mưu là do thiếu hiểu biết, một đánh giá mới đây bổ sung thêm bằng chứng cho thấy có nhiều lý do phức tạp hơn thế.
Nhà tâm lý học Shauna Bowes ở Trường đại học Emory, Mỹ, cho biết không phải tất cả những người theo thuyết âm mưu đều ít hiểu biết hay suy nghĩ đơn giản như đa số mọi người đều nhìn nhận. Sự thực là nhiều người tin vào các thuyết âm mưu do họ thấy được đáp ứng nhu cầu suy giảm động lực cũng như cảm thấy có lý trước cảm giác đau khổ và yếu đuối.
Vì sao tất cả chúng ta đều có những lúc suy nghĩ theo kiểu thuyết âm mưu? (Ảnh minh họa: Getty).
Mặc dù tất cả chúng ta đều có những lúc suy nghĩ theo kiểu thuyết âm mưu, tuy vậy tin vào nó quá nhiều có thể là một điều nguy hiểm. Bà Bowes và các đồng nghiệp đã phân tích 170 nghiên cứu và khám phá ra động cơ đằng sau niềm tin của mọi người.
Mặc dù có nhiều yếu tố ảnh hưởng, nhưng mọi người dường như được thúc đẩy bởi nhu cầu cảm thấy an toàn, hiểu môi trường xung quanh và ngày càng có nhu cầu cao hơn được cảm thấy an toàn về mặt xã hội nếu hai nhu cầu kia không được đáp ứng.
Điều này không có gì tích cực cả, bởi vì khi đó thế giới xung quanh trở nên nguy hiểm hơn và tương lai càng trở nên không chắc chắn. "Các phát hiện của chúng tôi cho thấy động cơ rất quan trọng, thậm chí có thể là những yếu tố quyết định của sự hình thành ý tưởng âm mưu" - nhóm nghiên cứu giải thích.
Họ nhận thấy rằng những mối đe dọa về mặt xã hội, hay sự sợ hãi trước xã hội xung quanh có liên hệ mật thiết hơn nhiều đến suy nghĩ âm mưu hơn là các mối đe dọa khác, điều này cũng liên quan rất chặt chẽ với lòng tin. Lòng tin từ lâu đã được coi là giữ vai trò chủ chốt để chúng ta có niềm tin vào một hiện tượng được gọi là nhận thức văn hóa.
Cho dù chúng ta được giáo dục nhiều đến đâu đi nữa, chúng ta vẫn dễ tin vào những thông tin từ những người mà chúng ta coi là một phần của nhóm văn hóa của mình.
Nhà tâm lý học Bowes và các đồng nghiệp cũng phát hiện ra rằng, những đặc điểm tính cách như khả năng tư duy phân tích thấp hơn và mức độ lo lắng cao hơn có mối tương quan thấp đến mức ngạc nhiên với lối suy nghĩ âm mưu. Nhóm nghiên cứu giải thích rằng điều này có thể do việc không xem xét khung thời gian đủ lâu hoặc không xem xét các đặc điểm khác nhau tương tác với nhau như thế nào.
Mặc dù vậy, tính ái kỷ của mỗi cá nhân và ở mức độ tập thể, cũng làm tăng khả năng suy nghĩ theo thuyết âm mưu, cũng như nhu cầu cảm thấy mình độc đáo, khác biệt.
Những người nhận thức được các mối đe dọa xã hội sẽ dễ tin vào các thuyết âm mưu dựa trên sự kiện hơn là các lý thuyết trừu tượng, vốn được các cá nhân ái kỷ và hoang tưởng ưa chuộng hơn.
Ví dụ như họ sẽ dễ tin vào thuyết âm mưu rằng chính phủ Mỹ đã lên kế hoạch cho vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 chứ không tin một thuyết âm mưu khác rằng chính phủ đang lên kế hoạch củng cố quyền lực bằng các biện pháp bất lợi.
Vai trò của sự an toàn và an ninh cũng giải thích vì sao trong những giai đoạn khủng hoảng lại có nhiều người tin vào thuyết âm mưu hơn, chẳng hạn như trong thời gian đại dịch vừa qua, khi nhiều người rơi vào tình cảnh khó khăn về tài chính và sức khỏe bấp bênh.
Việc hiểu rõ những nhân tố này là vô cùng quan trọng để giúp mọi người tránh rơi vào bẫy của lối suy nghĩ đó và hạn chế những điều tai hại họ có thể làm.