Video gây sốc của NASA cho thấy khí thải carbon đang bủa vây Trái Đất
Hình ảnh trực quan được NASA ghi lại cho thấy khí thải lan rộng, bao trùm toàn bộ hành tinh của chúng ta và càng có dấu hiệu gia tăng theo thời gian.
Theo báo cáo về biến đổi khí hậu đầu năm 2023, những hoạt động của con người đang làm gia tăng lượng carbon dioxide trong khí quyển lên mức kỷ lục, qua đó gây hạn chế bức xạ nhiệt vào không gian và góp phần vào sự nóng lên chung của hành tinh.
Video cho thấy khí thải carbon đang bủa vây Trái đất. (Video: NASA).
Mới đây, NASA đã cung cấp những hình ảnh trực quan được ghi lại từ vệ tinh, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách thức, cũng như mức độ đáng báo động của tình trạng này.
Trong video, NASA cho thấy 3 khu vực khác nhau trên thế giới đang chịu ảnh hưởng của lượng khí thải carbon dioxide, gồm 4 nguồn chính: Màu cam là khí từ nhiên liệu hóa thạch, màu đỏ là quá trình đốt sinh khối, màu xanh lá cây bắt nguồn từ hệ sinh thái trên đất liền, và màu xanh lam từ đại dương.
Dễ thấy, những dòng khí màu cam nổi bật hơn đáng kể so với những nguồn phát thải còn lại. Chúng lan rộng, bao trùm toàn bộ hành tinh của chúng ta và càng có dấu hiệu gia tăng theo thời gian.
"Nếu bạn cần một lời nhắc nhở về tác động của việc đốt than, khí đốt và dầu, thì nó là đây", NASA nhấn mạnh trong bài đăng trên trang blog.
Chia sẻ thêm, NASA cho biết để có được hình ảnh trực quan này, họ đã sử dụng kỹ thuật lập mô hình máy tính mới, cho phép phân tích bầu khí quyển của chúng ta và tìm hiểu một số tác nhân chính tạo ra khí nhà kính.
Lượng khí thải nhà kính đang ở ngưỡng cao nhất mọi thời đại. (Ảnh minh họa: BBC).
Theo thống kê, lượng khí thải nhà kính đang ở ngưỡng cao nhất mọi thời đại, với mức hàng năm tương đương với 54 tỷ tấn carbon dioxide.
Theo thống kê, nhân loại đã khiến nhiệt độ bề mặt Trái đất ấm lên 1,14 độ C kể từ cuối những năm 1800, tại thời kỳ tiền công nghiệp. Ngoài ra, sự nóng lên này đang gia tăng với tốc độ chưa từng có, với khoảng 0,2 độ C mỗi thập kỷ.
Mặc dù carbon dioxide chỉ chiếm 0,04% lượng khí trong bầu khí quyển của Trái đất, nhưng nó có tác dụng đáng kể trong việc phân tán bức xạ nhiệt trở lại bề mặt.
Điều này đồng nghĩa với hiện tượng sóng nhiệt, hạn hán, lũ lụt và bão tố cực đoan sẽ ngày một nghiêm trọng và diễn ra thường xuyên hơn, gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống con người, và cả hệ sinh thái chung gồm thực vật, động vật hoang dã.
Thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra cũng ngày càng tăng theo nhiệt độ Trái đất. Các cơn bão lớn làm mùa màng thất bát, tiêu phí nhiều tỉ USD.
Ngoài ra, để khống chế dịch bệnh phát tán sau mỗi cơn bão cũng cần một số tiền khổng lồ. Nói cách khác, khí hậu càng khắc nghiệt càng làm thâm hụt các nền kinh tế.