Việt Nam thiết kế và chế tạo tạo thành công chip, thẻ, đầu đọc RFID
Sau 4 năm nghiên cứu với mức kinh phí dành cho khoa học công nghệ lớn nhất từ trước đến nay, con chip RFID HF (radio frequency identification) đầu tiên của Việt Nam được thiết kế thành công.
- Máy biến áp 500kV 'made in Việt Nam' đầu tiên
- Bàn phím cảm ứng “made in Việt Nam”
- Lõi IP nén ảnh JPEG 2000 made in Việt Nam
- Ra mắt Chip đo lường 24-bit made in Việt Nam
Chip, thẻ, đầu đọc RFID đầu tiên của Việt Nam
Ngày 12/8, Bộ Khoa học Công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) đã công bố nghiên cứu thành công dự án khoa học công nghệ cấp nhà nước “Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng”.
Dự án thực hiện trong 4 năm (2011- 2015) với tổng kinh phí gần 146 tỷ đồng, trong đó gần 125 tỷ do Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) chi trả. Dự án này được đầu tư nguồn kinh phí nghiên cứu lớn nhất từ trước đến nay.
Chip RFID HF được phóng lớn. (Ảnh: S.H)
Ông Đào Ngọc Chiến, Phó vụ Công nghệ cao Bộ KHCN chúc mừng thành công của nhóm nghiên cứu và cho biết thành công của dự án khẳng định vị thế, nâng tầm ngành KHCN Việt Nam trên thế giới. Ông Chiến cũng hy vọng sản phẩm sẽ thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, ứng dụng vào nhiều sản phẩm hữu ích trong cuộc sống.
RFID là công nghệ định danh bằng sóng vô tuyến, phát triển mạnh trên thế giới trong những năm gần đây. Chip RFID HF gọn nhẹ như thẻ, vòng tay... để tạo thuận tiện cho người sử dụng. Nó chứa và mã hóa những thông tin cần thiết dưới dạng số.
Ứng dụng tiêu biểu của công nghệ RFID như điểm danh, quản lý hàng hóa, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, thẻ căn cước, bằng lái xe, hộ chiếu, thanh toán siêu tốc, khóa cửa, thang máy, giữ xe, quản lý hành lý ký gửi bằng đường hàng không…
Thiết kế bên trong của thẻ thông minh do ICDREC thiết kế thử nghiệm từ chip RFID. (Ảnh: S.H)
Theo số liệu thống kê, giá trị sử dụng chip RFID trên toàn cầu khoảng 9 tỷ đôla và sẽ tăng lên mức trên 27 tỷ đôla trong vài năm tới do nhu cầu ngày càng cao. Nhưng hiện nay nước ta phải nhập từ nước ngoài về sử dụng làm Việt Nam bị phụ thuộc về mặt công nghệ cũng như không tạo ra giá trị thặng dư cao.
Ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc ICDREC - cho biết con chip có triển vọng phát triển mạnh ở thị trường Việt Nam trong những năm tới. “Từ chip, thiết bị đọc, ghi RFID giúp tự động hóa công đoạn quản lý con người ra vào, bảo vệ tài sản công, thống kê dữ liệu cần thiết để phân tích và nâng cao chất lượng quản lý nhân sự…”, ông Hoàng nói.
Tại buổi công bố dự án, một doanh nghiệp lớn của Nhật Bản và Việt Nam ký kết hợp đồng phối hợp phát triển sản phẩm với ICDREC để tiến hành thương mại hóa dựa trên các kết quả nghiên cứu.