Voi gặp họa vì quảng cáo ngà trên Google
Các nhà bảo tồn cảnh báo rằng những quảng cáo liên quan tới sản phẩm từ ngà voi của Google là một trong những nguyên nhân khiến nạn săn ngà voi tăng vọt.
Cơ quan Điều tra Môi trường (IEA), một tổ chức phi chính phủ tại Anh, cho biết, khoảng 10 nghìn quảng cáo về ngà voi bằng tiếng Nhật xuất hiện trên Google. Khoảng 80% số đó quảng cáo “hanko”, những con dấu nhỏ bằng gỗ được sử dụng rộng rãi ở Nhật Bản để đóng dấu các tài liệu chính thức. Các quảng cáo còn lại quảng bá đồ chạm trổ và các vật dụng nhỏ khác, Guardian đưa tin.
Hoạt động buôn bán ngà voi là một trong những chủ đề được thảo luận
sôi nổi nhất trong hội nghị Công ước về Buôn bán quốc tế Các loài
hoang dã nguy cấp tại Thái Lan trong những ngày qua. (Ảnh: blogspot.com)
Hanko là con dấu được sử dụng trong mọi lĩnh vực, từ hợp đồng thuê nhà cho tới mở tài khoản ngân hàng. Những con dấu này là hàng hóa hợp pháp và người ta thường gắn cụm từ "bằng ngà voi" vào chúng.
EIA kết luận rằng doanh số hanko của Nhật Bản là một “yếu tố ảnh hưởng tới nhu cầu lớn đối với ngà voi và khiến nạn săn trộm voi khắp châu Phi tái diễn trên phạm vi rộng”.
Trong một bức thư trả lời, Google giải thích: “Google không cho phép quảng cáo những sản phẩm liên quan tới các loài nguy cấp hoặc đang bị đe dọa. Ngay sau khi phát hiện những quảng cáo vi phạm những chính sách quảng cáo, chúng tôi sẽ hủy chúng”.
Ban lãnh đạo EIA thông báo họ đã gửi một bức thư tới Larry Page, Giám đốc điều hành Google vào ngày 22/2 nhằm hối thúc Google dỡ bỏ quảng cáo đó bởi vì nó vi phạm những chính sách riêng của Google. Họ nói Google đã không trả lời bức thư hay dỡ bỏ những quảng cáo đó.
“Trong bối cảnh rất nhiều voi đang bị giết hại khắp châu Phi để sản xuất những đồ trang sức rẻ tiền, việc Google không thực hiện được các chính sách riêng của họ nhằm bảo vệ những con voi đang gặp nguy hiểm khiến nhiều người tức giận”, Allan Thorton, chủ tịch của EIA, phát biểu.
Hạn chế hoạt động buôn bán ngà voi là vấn đề được quan tâm hàng đầu tại Hội nghị của Công ước về Buôn bán quốc tế Các loài nguy cấp (Cites) gồm 178 nước thành viên. Hội nghị đang diễn ra tại Bangkok, Thái Lan.