Vòi rồng cuốn bay tàu, ghe ở biển Khánh Hòa
Vòi rồng cao hơn 1.000m, di chuyển trên biển cuốn bay một số ghe, xuồng của ngư dân rồi đi vào bờ ở khu vực xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, chiều 22/5.
Cột vòi rồng cao hơn 1.000m xuất hiện trên biển.
Khoảng 15h30, trời nổi mây đen, gió lớn ở khu vực xã Vạn Hưng. Trong cơn giông, cột vòi rồng cao hơn 1.000 m xuất hiện trên biển, cách bờ khoảng hơn 500m. "Vòi rồng đi nhanh, chừng 3-4 phút, trên đường đi nó làm một số tàu, ghe của lật ngang, hư hỏng rồi tiến dần vào bờ, tan biến", chị Thúy Diễm, ở xã Vạn Hưng nói.
Theo người dân địa phương, vòi rồng cũng xuất hiện tại vùng biển này hai năm trước, song lúc đó nó chỉ di chuyển và tan ngoài biển.
Ông Trần Trung Thông, Phó chủ tịch UBND xã Vạn Hưng, cho biết thời điểm vòi rồng di chuyển, khu vực biển gần bờ ở xã Vạn Hưng thủy triều đang rút, sức gió của vòi rồng làm rung lắc nhiều thuyền nhưng lượng nước không vào các tàu nhiều. "May mắn là hiện tượng thiên nhiên này không làm gây thiệt hại về người", ông Thông nói.
Vòi rồng xuất hiện tại vùng biển huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa. (Video: Thúy Diễm)
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, thời tiết Khánh Hòa nhiều ngày qua có mưa. Gió tây nam cấp 2-3, trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; riêng vùng ven biển có thể xảy ra lốc xoáy.
Vòi rồng là hiện tượng gió xoáy mạnh trong phạm vi rất nhỏ, hút từ mặt đất lên đám mây vũ tích (đám mây nước dày), tạo thành hình phễu di động, trông giống như cái vòi. Phần lớn vòi rồng hình thành từ dạng mây giông, đặc biệt là mây giông tích điện. Một đám mây giông có thể kéo dài vài giờ, xoáy tròn trong vùng có đường kính 10-16 km, di chuyển hàng trăm km, sinh ra vô số vòi khổng lồ.
Trên đường di chuyển, vòi rồng có thể cuốn theo hoặc phá hủy mọi thứ. Nhìn từ xa vòi rồng có màu đen hoặc trắng, tùy thuộc những thứ mà nó cuốn theo.