Ý tưởng xe điện chở người trên Mặt trăng
Hai công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ đang hợp tác chế tạo xe địa hình có thể chở phi hành gia khám phá Mặt trăng trong tương lai.
Trong một thông báo vào hôm 26/5, Lockheed Martin và General Motors cho biết phương tiện địa hình Mặt trăng (LTV) của họ sẽ chạy hoàn toàn bằng điện và có khả năng tự hành một phần. Phiên bản đầu tiên có thể chở hai phi hành gia.
Mô phỏng xe điện chở phi hành gia NASA khám phá Mặt trăng. (Video: Lockheed Martin/General Motors).
Hai công ty đã làm việc cùng nhau được một năm cho dự án này với hy vọng nó sẽ được sử dụng trong chương trình Artemis của NASA - sứ mệnh đưa con người quay trở lại Mặt trăng vào năm 2024. LTV mới ở giai đoạn thiết kế ban đầu, do đó nhiều chi tiết và thông số kỹ thuật vẫn chưa hoàn thiện.
"Khái niệm xe địa hình của chúng tôi sẽ mở rộng đáng kể phạm vi khám phá của các phi hành gia khi họ thực hiện các nhiệm vụ khoa học trên Mặt trăng", Phó chủ tịch điều hành Lockheed Martin Rick Ambrose nhấn mạnh. Điều này sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu thiết lập sự hiện diện bền vững của con người ở trên và xung quanh Mặt trăng vào cuối thập kỷ.
NASA chưa ký hợp động với Lockheed và GM để chế tạo LTV, nhưng vào năm ngoái, cơ quan này từng yêu cầu các công ty công nghệ của Mỹ đề xuất ý tưởng về cách phát triển phương tiện có khả năng chở người để hỗ trợ khám phá vùng cực nam của Mặt trăng, nơi NASA muốn thiết lập một trạm nghiên cứu.
Phiên bản đầu tiên có thể chở hai phi hành gia.
Trong những năm qua, Lockheed đã chế tạo nhiều tàu vũ trụ cho NASA, bao gồm cả khoang phi hành đoàn Orion, một phần quan trọng của cơ sở hạ tầng Artemis. Trong khi đó, GM từng giúp phát triển xe lưu động Mặt trăng (LRV) - phương tiện được các phi hành gia NASA sử dụng trong sứ mệnh Apollo 15, 16 và 17.
Ngoài các công ty của Mỹ, NASA cũng đang hợp tác với Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), với sự hỗ trợ của Toyata, để phát triển phương tiện thăm dò lớn hơn và có cabin điều áp, cho phép phi hành gia duy trì hoạt động lâu hơn khi khám phá cảnh quan cực nam của Mặt trăng.