2 hiện tượng thiên văn kỳ thú xuất hiện trong tuần
Vào tuần này, chúng ta sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hai hiện tượng thiên văn kỳ thú là mưa sao băng và "trăng xanh".
- Những điểm ấn tượng về Trăng Xanh
- Hình ảnh những cơn mưa sao băng đẹp nhất 15 năm qua
- Thế giới sắp có mưa sao băng nhân tạo?
Sắp xuất hiện trăng xanh và mưa sao băng
Vào những ngày cuối tháng 7 tới đây, những bạn yêu thiên văn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn kỳ thú - mưa sao băng Delta Aquarids và hiện tượng "trăng xanh" (blue moon).
Cụ thể ngày 28, 29/7, chúng ta sẽ đón chờ trận mưa sao băng Delta Aquarids với mật độ 20 vệt/giờ và chiêm ngưỡng hiện tượng "trăng xanh" vào ngày 31/7.
1. Mưa sao băng Delta Aquarids với mật độ 20 vệt/giờ
Trận mưa sao băng Delta Aquarids sẽ diễn ra vào ngày 28, 29/7. Sao băng Delta Aquarids được sinh ra từ những đám bụi nhỏ còn sót lại của hai Sao Chổi có tên là Marsden và Kracht khi tới gần Mặt trời.
Khi Trái đất lướt qua, lực hấp dẫn của nó kéo rất nhiều thiên thạch nhỏ lao vào khí quyển và bốc cháy, tạo thành những vệt sáng gọi là sao băng.
Delta Aquarids sẽ diễn ra vào khoảng từ 2h sáng cho tới lúc trước bình minh. Tuy nhiên, trận mưa sao băng này được đánh giá là không lớn, cực điểm chỉ đạt 15-20 vệt/giờ.
Trong khi đó, thời gian cực điểm của hiện tượng lại rơi vào đêm trăng sáng nên việc quan sát sẽ trở nên khó khăn hơn. Để quan sát hiện tượng này, người quan sát chỉ cần dùng mắt thường, không cần sự hỗ trợ của các dụng cụ thiên văn.
2. Hiện tượng "trăng xanh" nhưng trăng lại không xanh
Nghe đến "trăng xanh", hẳn không ít người nhầm tưởng Mặt trăng của chúng ta sẽ có màu xanh. Nhưng sự thật, Mặt trăng vẫn có màu như thường, có chăng là màu xám - trắng.
"Trăng xanh" thực chất là cách gọi mà con người tự đặt ra để chỉ hiện tượng trăng tròn hai lần trong một tháng, thông thường, mỗi tháng trăng chỉ tròn một lần.
Chúng ta biết rằng, thông thường mỗi năm có 12 kỳ trăng tròn tương ứng với 12 tháng. Nhưng do Mặt trăng quay quanh Trái đất trong 29,5 ngày, còn các tháng trong dương lịch có 30 hoặc 31 ngày nên mỗi năm dương lịch có nhiều hơn 11 ngày so với năm âm lịch.
Vì thế sau khoảng 2-3 năm sẽ có một năm âm lịch có 13 tháng, tương ứng với 13 lần trăng tròn. Và lần trăng tròn thứ hai trong tháng dương lịch này được gọi là "trăng xanh".
Theo các bức ảnh ghi lại được của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA, màu sắc thực của bề mặt Mặt trăng tròn lần thứ hai trong tháng là màu xám - trắng.
Con người hiếm khi thấy được Mặt trăng có màu xanh, tuy nhiên, đôi khi, do khúc xạ ánh sáng bởi lớp khói, bụi phát tán trong không khí mà Mặt trăng có màu xanh nhạt.
Hình ảnh chụp "trăng xanh" tại ở Oman vào tháng 8 năm 2012.
Vào năm 1883, núi lửa Krakatoa ở Indonesia thức giấc, phun tro bụi vào không gian và khiến Mặt trăng có màu xanh dương hoặc xanh lá cây.
Tro bụi của núi lửa Krakatoa khiến các hạt phân tử bụi có kích thước khoảng 1 micromet phủ đầy đám mây. Chúng nhỏ li ti nhưng đủ để hấp thu các tia sáng đỏ và cho phép các ánh sáng màu khác lọt qua.
Do đó, ánh sáng trắng của Mặt trăng khi xuyên qua những đám mây sẽ có màu xanh dương, thi thoảng có màu xanh lá cây.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho biết, về bản chất Mặt trăng vẫn tròn như bao lần nó đi tới điểm đối xứng với Mặt trời, như tất cả những đêm 15, 16 âm lịch mà chúng ta có thể quan sát.
Tại một số khu vực, không khí ô nhiễm do khí thải hay các vụ phun trào núi lửa - do khúc xạ ánh sáng trong khí quyển nên Mặt trăng cũng có thể có ánh xanh dù không phải pha tròn.
Sau hiện tượng "trăng xanh" diễn ra vào 31/7 tới này, thì phải đến tháng 1 và tháng 3 năm 2018, chúng ta mới có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn kỳ thú này.