'Kết hôn' đồng giới bảo đảm nòi giống
Hiện tượng cặp đôi giữa những cá thể cùng giới không những rất phổ biến trong thế giới động vật, mà còn là sự thích nghi cần thiết để duy trì sự phát triển của loài, một nghiên cứu cho thấy.
Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy hiện tượng cặp đôi đồng giới xuất hiện ở hơn 1.000 loài, trong đó có chim cánh cụt, cá heo và động vật linh trưởng.
Trong một cuộc khảo sát gần đây trên đảo Oahu thuộc quần đảo Hawaii, Mỹ, các nhà sinh vật học của Đại học California (Mỹ) nhận thấy xấp xỉ 1/3 cá thể chim hải âu lớn Laysan tại đây được nuôi dưỡng bởi cặp bố mẹ gồm hai chim cái. Mặc dù sống trong những “gia đình” không bình thường, song số lượng hải âu Laysan vẫn tăng dần. Trước đó số lượng của chúng giảm mạnh do thiếu con đực.
Nhóm chuyên gia cũng nhận thấy hiện tượng “vợ chồng” đồng giới xuất hiện ở một số loài vì những lý do khác. Những con cá theo cùng giới cặp đôi với nhau để thúc đẩy sự gắn kết trong đàn, trong khi các cá thể châu chấu đực sánh đôi để tiêu diệt những con đực yếu hơn. Mới đây, một cặp chim cánh cụt “gay” đã ấp một quả trứng trong một vườn thú tại Đức sau khi người ta đưa quả trứng vào chuồng của chúng.
Tiến sĩ Nathan Bailey, một nhà sinh học tiến hóa của Đại học California, nói rằng các nghiên cứu trước đây không tìm ra những lợi ích về mặt tiến hóa của hành vi cặp đôi đồng giới. Theo ông, hành vi đó thường là kết quả của chọn lọc tự nhiên trong nỗ lực duy trì sự tồn tại của loài. Nó xuất hiện ở cả động vật bậc cao (khỉ bonobo, cá heo) và côn trùng (ruồi đục quả).
“Cặp đôi đồng giới – được thể hiện dưới dạng âu yếm, quan hệ tình dục hay cùng nuôi con – là những đặc điểm hình thành trong quá trình chọn lọc tự nhiên. Đó là cơ chế tiến hóa cơ bản để bảo đảm sự tồn tại của các loài”, Bailey nhận xét.