'Nên hoãn xây đập trên sông Mekong trong 10 năm'
Ủy ban sông Mekong (MRC) cho rằng các nước ở hạ nguồn sông Mekong nên hoãn xây đập thủy điện trong một thập kỷ để ngăn ngừa những rủi ro mà các công trình đó có thể gây ra.
Hai người dân bắt cá tra dầu sông Mekong. (Ảnh: AP).
AFP cho biết, các nhà khoa học đã nghiên cứu tính khả thi của 11 dự án xây đập thủy điện trên con sông dài nhất khu vực Đông Nam Á theo yêu cầu của MRC. Kết quả nghiên cứu được công bố trong báo cáo mang tên Strategic Environmental Assessment (SEA).
Báo cáo cho rằng các nước cần có thêm thời gian để tìm hiểu những nguy cơ mà việc xây đập có thể gây nên. Chẳng hạn, các đập có thể gây ra tác động tiêu cực đối với các loài cá, đẩy hàng triệu người vào tình trạng bất ổn lương thực. Do đó cố vấn truyền thông Tiffany Hacker của MRC tuyên bố hoãn việc xây dựng các đập trong 10 năm là việc cần thiết.
MRC cũng nhấn mạnh rằng các chính phủ không nhất thiết làm theo những khuyến nghị trong báo cáo. Tuy nhiên, Hacker hy vọng các nước thành viên của MRC - gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan - sẽ xem xét một cách nghiêm túc những kết quả nghiên cứu mà báo cáo công bố.
“Bốn nước sẽ xem xét những kết quả của báo cáo trong ít nhất 6 tháng”, AFP dẫn lời Hacker.
Hơn 60 triệu người sống nhờ sông Mekong, theo thống kê của MRC. Từ lâu các tổ chức bảo vệ môi trường đã phản đối các dự án thủy điện trên dòng sông này, cho rằng chúng sẽ phá hoại hệ sinh thái mong manh của sông. Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) từng cảnh báo cá tra dầu Mekong – một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới – có thể tuyệt chủng nếu các kế hoạch xây đập thủy điện trên sông được thực thi, bởi các đập sẽ ngăn cản chúng tới nơi sinh sản.
Theo ông Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, việc WFF đề nghị hoãn xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong có phần cực đoan. Sông Mekong là nơi có tiềm năng phát triển nguồn thủy năng, bản thân các nước trong khu vực này đều muốn xây dựng đập thủy điện, mặt khác không thể giữ mãi môi trường như thời tiền sử.
Tuy nhiên, theo ông Giang, đề nghị của WWF hoàn toàn có cơ sở, khi nhiều tổ chức và nhiều nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về môi trường, hay sự hủy diệt các loại thủy sinh trên lưu vực sông Mekong nếu tiến hành xây đập, kéo theo đó là hàng nghìn người dân sinh sống ven sông gặp khó khăn.
Nếu hoãn xây dựng đập thủy điện bây giờ hay 10 năm, 20 năm sau hoặc hoãn vĩnh viễn thì Việt Nam vẫn có thể vẫn ủng hộ. Vì trên thực tế, nguồn thủy điện của nước ta chưa hưởng lợi ích hay tác động tiêu cực gì từ việc xây đập. Ngay cả Lào, Việt Nam cũng chưa lấy được điện từ Lào, do Lào chủ yếu bán điện sang Thái Lan.
Trong khi đó, tiến sỹ Nguyễn Đình Hòe, Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam lại đưa ra quan điểm, hoãn xây dựng đập thủy điện trên sông Mekong là đúng, vấn đề xây dựng thủy điện trên sông Mekong chưa được nghiên cứu kỹ, chỗ nào cần khai thác, chỗ nào nhường cho dân sống, chỗ nào có tiềm năng thủy điện lại chưa có tính toán kỹ càng.
Với việc xây dựng hệ thống đập thủy điện trên sông Mekong, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng của thủy chế. Chẳng hạn, lúc chúng ta cần nước thì không thấy và ngược lại. Ngoài ra hệ sinh thái bị cắt đoạn, đời sống của hàng triệu người dân sống nhờ vào hệ sinh thái sông Mekong ngàn đời nay gặp nhiều khó khăn khi nguồn thu nhập chính từ loại thủy sản không còn. Vì thế phải cân nhắc xây dựng địa điểm có lợi nhất về lợi ích chung, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.
“Trong tương lai nên chấm dứt hoàn toàn ý tưởng xây dựng các con đập để bảo vệ môi trường và thủy sinh, đảm bảo cuộc sống người dân ven sông, nếu không Việt Nam sẽ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ các tác động tiêu cực do việc xây đập gây ra", tiến sỹ Hòe nói.