4 thời điểm không nên uống cà phê kẻo sức khỏe suy giảm, ung thư tìm đến
Cà phê là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của hàng tỉ người trên thế giới. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra thứ đồ uống phổ biến này có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm giảm nguy cơ mắc sa sút trí tuệ và một số loại ung thư; đồng thời tăng cường sự tỉnh táo, mức năng lượng và cải thiện quá trình trao đổi chất.
Thế nhưng, cà phê sẽ chỉ mang lại những lợi ích khi được sử dụng đúng cách và đúng thời điểm. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những thời điểm mà chúng ta nên tránh uống cà phê để không gặp phải những tác dụng phụ không đáng có.
Theo chuyên trang sức khỏe Prevention, dưới đây là 4 thời điểm mà bạn không nên uống cà phê.
1. Khi cà phê còn quá nóng
Đừng vội vàng uống cà phê ngay sau khi pha, hãy đợi cho tới khi cà phê nguội hơn. Theo một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, các loại đồ uống có nhiệt độ trên 65 độ C có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư thực quản. Đồ uống càng nóng, nguy cơ ung thư càng tăng.
Một nghiên cứu về thói quen uống trà tại Iran vào năm 2019 cho thấy những người uống hơn 700ml trà ở nhiệt độ 60 độ C trở lên mỗi ngày có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn 90% so với những người uống ít trà ở nhiệt độ thấp hơn.
Thường xuyên uống cà phê quá nóng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản. (Ảnh minh họa).
2. Khi bạn đang lo lắng, hồi hộp
Khi bạn đang cảm thấy lo lắng, hồi hộp, việc uống cà phê sẽ không khiến bạn cảm thấy khá hơn mà thậm chí có thể khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Ali Miller, một chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ, tác giả của cuốn sách “Naturally Nourished”, cho biết caffeine có tác dụng kích thích hệ thần kinh, khiến cơ thể giải phóng hormone căng thẳng cortisol và làm trầm trọng thêm tình trạng lo âu cũng như các vấn đề về giấc ngủ. Đặc biệt, những người dễ bị lo lắng, hồi hộp hoặc mắc chứng rối loạn lo âu nên thận trọng với caffeine.
Để giảm bớt ảnh hưởng của caffeine, bạn có thể giảm số lượng cà phê mà mình uống mỗi ngày hoặc sử dụng cà phê decaf (cà phê đã được khử caffeine). Đồng thời, không uống cà phê 6 tiếng trước khi đi ngủ.
3. Khi bạn đang có vấn đề về giấc ngủ
Nếu bạn cần sự tỉnh táo, cà phê có thể là lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, không phải lúc nào cà phê cũng có thể mang lại cho bạn sự tỉnh táo như bạn mong đợi.
Một nghiên cứu phát hiện ra rằng caffeine sẽ không còn hiệu quả trong việc tăng cường sự tỉnh táo nếu bạn ngủ ít hơn 5 tiếng/ngày trong 3 ngày liên tục. Việc ngủ ít, ngủ không đủ giấc khiến khả năng nhận thức bị suy giảm và caffeine lúc này không phải là “liều thuốc thần kỳ” để bạn bớt cảm thấy buồn ngủ.
Nếu bạn là một người khó ngủ, ngủ không đủ giấc, tuyệt đối không nên sử dụng cà phê. Thay vào đó, bạn nên ngủ trưa 20 phút khi mức năng lượng giảm xuống. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Rối loạn giấc ngủ - Bệnh viện Johns Hopkins (Mỹ), những việc làm này có thể khắc phục các triệu chứng thiếu ngủ và cải thiện sự tỉnh táo tốt hơn caffeine.
4. Khi bạn vừa thức giấc
Trong vòng vài giờ sau khi thức giấc, nồng độ hormone căng thẳng cortisol trong cơ thể vẫn đang ở mức cao nhất. Do đó, nếu uống cà phê vào thời điểm này không phải là điều nên làm.
Theo nhiều chuyên gia, thời điểm tốt nhất để uống tách cà phê đầu tiên trong ngày là từ 10-12h trưa, khi mức cortisol đã giảm. Bằng cách đó, bạn sẽ hạn chế được lượng caffeine tiêu thụ trong ngày và giảm mức độ phụ thuộc vào nó. Đặc biệt, đối với những người mắc các tình trạng như huyết áp cao, tiểu đường, trào ngược dạ dày thực quản, việc sử dụng quá nhiều cà phê có thể khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
Đối với những người bị nhạy cảm với caffeine cũng nên thận trọng khi uống cà phê. Triệu chứng của nhạy cảm caffeine bao gồm bồn chồn, lo lắng, nhức đầu, tim đập nhanh, tiêu chảy, mất ngủ, cáu gắt.