5 cặp “oan gia ngõ hẹp” nổi tiếng nhất lịch sử ngành điện toán
Star Wars - Star Trek, Coke - Pepsi, Edison - Tesla… Lịch sử thế giới luôn tồn tại những cặp đại kình địch, nhưng rất ít những trường hợp cạnh tranh gay gắt và dữ dội như khi hai gã khổng lồ công nghệ đối đầu với nhau.
"Lướt qua nhau" từ thuở bình minh của máy tính đến tận kỷ nguyên số ngày nay, dưới đây là 5 cặp "oan gia ngõ hẹp" được xem là nổi tiếng nhất trong lịch sử ngành điện toán. Ngoài ra, ở cuối bài viết là một danh sách ngắn những cặp kỳ phùng địch thủ khác có tiềm năng lọt vào danh sách trong tương lai.
Apple và Microsoft (Steve Jobs và Bill Gates)
Có lẽ đây là cặp đối thủ công nghệ nổi tiếng nhất mọi thời đại. Cuộc chiến giữa Microsoft và Apple đã nóng lên từ giữa thập niên 1980 và tiếp diễn đến ngày nay, dù không còn gay gắt như trước nữa. PC hay Mac, Windows hay macOS, iPhone hay Windows Mobile, và gần đây nhất, iPad hay Surface?
Tuy nhiên, mọi thứ không phải luôn diễn ra như vậy. Hai công ty đã từng có lúc hợp tác vào đầu những năm 1980, khi mà Microsoft phát triển phần mềm cho cỗ máy Apple II. Bill Gates thậm chí còn đùa rằng công ty của ông có nhiều nhân viên làm việc trên máy Mac hơn cả Steve Jobs.
Steve Jobs và Bill Gates.
Mối quan hệ giữa họ trở nên sóng gió sau khi Steve Jobs cáo buộc Bill Gates đánh cắp ý tưởng Macintosh OS để tạo ra phiên bản hệ điều hành có giao diện đồ hoạ của riêng mình: Windows. Khi đối mặt với cáo buộc này, Bill Gates đã đáp lại rằng:
"Này, Steve, tôi nghĩ có nhiều cách để nhìn nhận vấn đề này. Tôi nghĩ nó giống như là chúng ta đều có một gã hàng xóm giàu sụ tên Xerox, và tôi lẻn vào nhà gã để trộm cái TV để rồi phát hiện ra anh đã trộm từ trước rồi".
Bill Gates đang ám chỉ rằng giao diện đồ hoạ đầu tiên được phát triển bởi Xerox PARC, không phải Apple.
Trong những thập kỷ tiếp theo, cặp đôi tiếp tục trải qua một mối quan hệ phức tạp. Họ là những đối thủ của nhau trên thị trường máy tính gia đình, tuy nhiên Apple lại phụ thuộc vào Microsoft để phát triển các ứng dụng như Word và Excel cho Mac, do đó họ phải cấp phép một số công nghệ của mình cho đối thủ sừng sỏ này. Mặt khác, Apple cũng theo đuổi một vụ kiện bản quyền đối với Microsoft và HP, để rồi thất bại bẽ bàng.
Đến năm 1997, trước vực sâu thăm thẳm, Apple thâu tóm NeXT và đưa Steve Jobs trở lại vị trí CEO của công ty. Trong sự kiện Macworld Expo năm đó, Jobs đã công bố rằng Apple vừa ký thoả thuận 5 năm với Microsoft để đối thủ tiếp tục phát triển Internet Explorer và Office cho Mac. Microsoft cũng đầu tư 150 triệu USD vào công ty đối thủ, cứu Apple khỏi phá sản.
Thập kỷ tiếp đó chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ của Apple. iPod đã đưa công ty trở lại đỉnh cao. Quảng cáo "I'm a Mac, I'm a PC" chạy liên tục 4 năm liền với tổng cộng 66 tập nhỏ lôi kéo một lượng lớn người dùng đến với thế giới máy tính của Apple. Và rồi iPhone biến công ty thành thế lực không thể bị phế truất đứng đầu ngành công nghiệp di động, trở thành công ty công nghệ có tầm ảnh hưởng nhất lịch sử.
Ngày nay, mối quan hệ giữa Microsoft và Apple đã êm thấm hơn bao giờ hết, và xét trên một số khía cạnh, họ dường như không còn theo đuổi những lợi ích cốt lõi giống nhau nữa. Đã có lúc bộ máy tìm kiếm Bing của Microsoft được sử dụng cho Siri trên iPhone. Office cho Mac và iPhone cũng đang được đón nhận tích cực. Những đoạn quảng cáo móc mỉa vẫn còn đó. Và Tim Cook từng nói rằng dù hai công ty vẫn cạnh tranh nhau, họ có thể hợp tác trên nhiều lĩnh vực quan trọng khác. "Tôi không phải là kẻ thích giữ oán hận" - vị CEO này chia sẻ.
AMD và Intel
Intel và AMD đã tồn tại qua nhiều thập kỷ. Nhưng dù cả hai công ty đều được thành lập vào cuối những năm 1960, sự đối địch của họ chỉ bắt đầu căng thẳng 20 năm sau đó. Ban đầu, mọi thứ vẫn tốt đẹp. Intel từng ký một thoả thuận cấp phép chéo với AMD vào năm 1976, và vào năm 1982, cặp đôi này ký kết một thoả thuận trao đổi công nghệ trong bối cảnh IBM không muốn Intel trở thành nguồn cung ứng chip duy nhất của hãng. Nhà sản xuất PC này yêu cầu phải có một nhà sản xuất thứ hai tham gia chế tạo vi xử lý x86, do đó thoả thuận được ký kết nhằm trao cho AMD quyền tiếp cận công nghệ chip 286 thế hệ 2 của Intel.
Intel và AMD đã tồn tại qua nhiều thập kỷ.
Mối quan hệ này bắt đầu gặp vấn đề vào giữa thập niên 1980, khi Intel từ chối cấp cho AMD giấy phép sử dụng vi xử lý 386 của hãng. AMD nói đây là một phần trong kế hoạch nhằm giúp đối thủ của họ tạo thế độc quyền trên thị trường chip PC, và năm 1987, họ cáo buộc Intel phá vỡ hợp đồng đã ký 5 năm trước đó. AMD nộp đơn kiện ra toà, khởi đầu cho quá trình đấu tranh pháp lý kéo dài nhiều năm trời.
Năm 1995, hai công ty đồng ý bỏ qua hiềm khích. Intel nhận được 58 triệu USD, trong khi AMD được 18 triệu USD cùng một giấy phép vĩnh viễn nhằm tiếp cận vi mã trong các chip 386 và 486 của Intel. Tuy nhiên, một thời gian sau, cặp đôi này lại kéo nhau ra toà trong nhiều vụ kiện mới, để rồi cuối cùng Intel bị EU phạt đến 1,4 tỷ USD vì những hành vi phản cạnh tranh nhằm vào AMD.
Đầu thập niên 2000, AMD lần đầu đánh bại Intel với thành công của dòng chip Athlon, cho đến khi Intel ra mắt kiến trúc Core và chuyển sang mô hình chu kỳ tick-tock, AMD một lần nữa tụt lại đằng sau, trở thành lựa chọn dành cho những người…ít tiền trong hơn một thập kỷ.
Dù Intel tiếp tục thống trị thị trường PC, AMD vẫn phấn đấu không ngừng nghỉ trong vài năm qua, chiếm được cảm tình của giới sành công nghệ và các chuyên gia lắp ráp máy tính nhờ dòng vi xử lý Ryzen và Threadripper. Xu thế này cũng dần hiện hữu trong các lĩnh vực khác, nơi Intel luôn là vị vua không đối thủ nhưng nay phải đối mặt với một thách thức thực sự đến từ phía AMD: thị trường máy chủ cực kỳ màu mỡ, và thị trường laptop, nơi AMD gần như không có cơ hội cạnh tranh suốt một thời gian dài.
Các GPU của AMD cũng xuất hiện trên các hệ máy game console, và cả Sony lẫn Microsoft hiện trang bị chip đồ hoạ Radeon cho các máy console thế hệ mới của mình. Bên kia chiến tuyến, Intel tuyên bố sẽ sớm đặt chân vào cuộc chiến GPU, đối đầu trực diện với AMD không chỉ trên thị trường tiêu dùng mà cả thị trường trung tâm dữ liệu, nơi GPU ngày càng đóng vai trò quan trọng.
Apple và Samsung
Có vô số điện thoại Android trên thị trường, nhưng đối với rất nhiều người, những gì họ quan tâm chỉ là "Galaxy hay iPhone". Apple hiển nhiên có lý do để nói rằng Samsung chẳng đáng làm đối thủ của họ, khi mà công ty Hàn Quốc luôn tìm cách sao chép công nghệ và thiết kế của mình. Với khoảng 40 vụ kiện bằng sáng chế, hai công ty này đã lặn ngụp trong chuỗi ngày kiện cáo kéo dài nhiều năm trời, tại nhiều toà án khác nhau. Apple thậm chí đã khiến một số thiết bị Samsung bị cấm bán tại Mỹ vì xâm phạm bằng sáng chế.
Trên thực tế, cả hai công ty đã sản xuất được những mẫu smartphone phổ biến bậc nhất thế giới.
Sau gần một thập kỷ kiện tụng, hai công ty đi đến thoả thuận vào tháng 5/2018, trong đó Samsung phải trả cho Apple 539 triệu USD vì xâm phạm bằng sáng chế của đối thủ. Dẫu vậy, kết cục này được đánh giá là chiến thắng cho Samsung, khi mà vào thời điểm đó, họ đã trở thành một trong hai công ty duy nhất dẫn đầu ngành công nghiệp smartphone.
Về phía người tiêu dùng, các fan Apple sẽ khẳng định iPhone vượt trội hơn xét về tính dễ sử dụng, ứng dụng, và phong cách. Mặt khác, chủ nhân các điện thoại Galaxy tranh luận rằng iPhone có giá quá cao, và điện thoại của họ ưu việt hơn nhờ hàng loạt các tính năng tuỳ biến, cho phép mở rộng bộ nhớ, và đặc tính mở của Android. Sự thật là, những mẫu flagship của cả hai công ty hiện khá ngang sức ngang tài trên ngày càng nhiều khía cạnh hơn bao giờ hết.
Trên thực tế, cả hai công ty đã sản xuất được những mẫu smartphone phổ biến bậc nhất thế giới trong vài năm trở lại đây. Samsung vượt lên về doanh số, trong khi Apple lại là nhãn hiệu sinh lời nhất đối với mọi đối tác bán hàng nhờ một hệ sinh thái thiết bị, dịch vụ, và phần mềm hoàn chỉnh, mang lại vị thế độc nhất cho công ty trên thị trường.
Xét tình hình trên, kết hợp cùng quảng cáo thương mại đả kích iPhone của Samsung, bầu không khí hận thù giữa fan của hai nhãn hiệu, và những cáo buộc sao chép liên tục được đưa ra, bạn có thể dễ dàng nhận định sự đối địch này sẽ tiếp diễn trong nhiều năm nữa.
Nintendo và Sega
Nintendo được thành lập vào năm 1889 với vai trò một công ty thẻ bài, trong khi Sega xuất hiện từ năm 1940, là một công ty chuyên sản xuất máy đánh bạc trụ sở tại Hawaii. Nhiều năm sau đó, cặp đôi này đã trở thành những đối thủ không đội trời chung trong thế giới máy chơi game thùng, thiết bị chơi game cầm tay, và máy chơi game console. Các game arcade của Sega đã biến họ thành một thế lực khủng trong thời đại vàng của ngành công nghiệp game, từ 1978 - 1983, nhưng Nintendo cũng đạt được những thành công nhất định với các thiết bị cầm tay Game & Watch. Khoảnh khắc thăng hoa của Nintendo là khi Donkey Kong xuất hiện trên các máy game arcade vào năm 1981, đi cùng nó là một biểu tượng mới lạ: một gã thợ mộc tên Mario (phải đến phiên bản Mario Bros năm 1983, gã mới chuyển sang nghề thợ sửa ống nước).
Nintendo và Sega là đối thủ không đội trời chung trong thế giới máy chơi game thùng, thiết bị chơi game cầm tay...
Nintendo đã là một tay chơi quen thuộc trên thị trường console gia đình từ năm 1977, với sản phẩm Color TV-Game ở Nhật Bản, vốn có 4 biến thể, mỗi biến thể có 6 phiên bản của một tựa game, ví dụ như Pong. Họ tung ra một hệ máy mới, thành công lớn hơn, Family Computer (viết tắt là Famicom) tại Nhật Bản vào năm 1983, cùng ngày Sega tung ra hệ máy console SG-1000, vốn là một sản phẩm thất bại của công ty.
Hai cỗ máy này cuối cùng được cập nhật và tái thiết kế để bán ở Bắc Mỹ. Sau khi nguyên mẫu Nintendo Advanced Video System không nhận được sự chào đón nhiệt tình, Nintendo tung ra NES vào năm 1985. NES đã trở thành hệ máy console bán siêu chạy vào thời kỳ đó, và dù hệ máy Master System của Sega được mang sang Mỹ vào năm 1986 để cạnh tranh với Nintendo, nó đơn giản là không thể đánh bại NES xét về độ phổ biến.
Những năm sau đó, cả hai công ty tung ra nhiều mẫu console cập nhật mới hơn: Super Nintendo Entertainment System (SNES) và Sega Genesis. Đây cũng là lúc xảy ra một trong những cuộc chiến console sớm nhất và có lẽ là nổi tiếng nhất, với những câu khẩu hiệu đả kích đối thủ như "Genesis làm được những gì Nintendo không thể" - Sega khẳng định.
Nhiều mẫu console và thiết bị chơi game cầm tay khác tiếp tục ra mắt trong thời gian sau đó, và dù Sonic the Hedgehog giúp Sega vượt lên trong chốc lát, Nintendo N64 và sự xuất hiện của Sony PlayStation đã gióng những hồi chuông đầu tiên báo hiệu đoạn kết cho tham vọng console của Sega. Mẫu console cuối cùng, và tốt nhất, của công ty là Dreamcast vào năm 1998. Dreamcast bán rất chạy tại Bắc Mỹ và châu Âu, nhưng gặp khó khăn ở Nhật Bản. Không lâu sau khi PlayStation 2 ra mắt, Sega quyết định ngừng sản xuất Dreamcast. Khi chiếc máy cuối cùng rời khỏi dây chuyền vào năm 2001, chặng đường hai thập kỷ theo đuổi console của Sega cũng chấm hết.
Nintendo vẫn là một công ty game và là nhà sản xuất máy console rất thành công trên thị trường. Nintendo Switch thắng lợi vẻ vang, và công ty ra sức bảo vệ những tài sản trí tuệ của mình, bao gồm nhiều tựa game nổi tiếng như Animal Crossing, Donkey Kong, Mario, Zelda, Metroid, Splatoon, và Pokemon.
Trong khi đó, Sega hiện chủ yếu phát triển và phát hành game trên nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm di động/smartphone, và tiếp tục thống trị thị trường máy chơi game thùng vốn có quy mô khá nhỏ bé. Công ty này còn hiện diện trong văn hoá đại chúng dưới nhiều hình thức, mà rõ rệt nhất là trong bộ phim Sonic the Hedgehog gần đây, đánh dấu một cột mốc mới đối với thể loại phim dựa trên video game.
Google và Apple
Khi HTC giới thiệu một chiếc điện thoại Android vào tháng 1/2010 với nhiều tính năng tương tự như iPhone, Steve Jobs đã nói rằng: "Tôi sẽ dùng đến hơi thở cuối cùng của mình nếu cần, và tôi sẽ chi ra từng xu một trong khoản ngân sách 40 tỷ USD mà Apple để trong ngân hàng, để chỉnh đốn sự sai lầm này"
"Tôi sẽ tiêu diệt Android, bởi nó là một sản phẩm ăn cắp. Tôi sẵn sàng chơi cả bom nhiệt hạch luôn!" - Jobs nói thêm.
Tuy nhiên, tình hình không phải lúc nào cũng căng thẳng như vậy. Khi mẫu iPhone đầu tiên được công bố vào năm 2007, nó được tích hợp Google Search, Google Maps, và YouTube. Nhưng sự việc Google thâu tóm startup di động Android Inc hai năm trước đó đã gieo những hạt giống đầu tiên dẫn đến sự thù địch giữa hai công ty. Jobs đặc biệt bực bội với Android, đến mức xem nó như một sự phản bội.
Đến tận ngày nay, Apple và Google vẫn giữ một mối quan hệ được đánh giá là phức tạp.
CEO Google lúc bấy giờ, Eric Schmidt, đang có ghế trong hội đồng quản trị của Apple khi nền tảng di động Android được công bố vào tháng 11/2007. Ông vẫn tiếp tục vị trí này cho đến tận tháng 8/2009 rồi được thuyết phục từ chức. Đó cũng là thời điểm mở đầu cho nhiều năm đấu đá pháp lý. Apple bắt đầu kiện HTC, Samsung, và các đối tác của Google như Motorola Mobility. Jobs nói với Schmidt vào năm 2010 rằng: "Tôi không cần tiền của ông. Nếu ông cho tôi 5 tỷ USD, tôi cũng không cần. Tôi có nhiều tiền rồi. Tôi muốn ông ngừng ngay việc sử dụng những ý tưởng của chúng tôi vào Android, đó là tất cả những gì tôi muốn"
Mối quan hệ giữa hai công ty chạm đáy vào năm 2012 khi Apple thay thế Google Maps bằng giải pháp bản đồ của riêng mình trong iOS 6. Phần mềm này tệ đến mức Tim Cook phải xin lỗi người dùng với tư cách cá nhân không lâu sau khi ra mắt. Nó thậm chí dẫn đến việc lãnh đạo mảng bản đồ Scott Forstall phải rời công ty. Sự việc này cũng là lý do tại sao Apple mở chương trình public beta cho iOS sau này.
Đến tận ngày nay, Apple và Google vẫn giữ một mối quan hệ được đánh giá là phức tạp. Hai công ty vẫn đả kích lẫn nhau và tung ra nhiều sản phẩm cạnh tranh nhau, nhưng Google lại trả cho Apple hàng tỷ USD mỗi năm để đảm bảo họ được làm bộ máy tìm kiếm mặc định trên iPhone. Apple nhận được một khoản hoa hồng mỗi khi một iPhone hoặc iPad hiển thị một quảng cáo Google trong danh sách kết quả tìm kiếm. Hai công ty cũng cộng tác trên một số lĩnh vực khác, như YouTube chẳng hạn.
CEO Tim Cook được cho là có cái nhìn thù địch hơn với Facebook, trong khi nhẹ nhàng hơn với Google. Cách đây chưa lâu, ông từng nói rằng "Bộ máy tìm kiếm Google là thứ tuyệt vời nhất". Trong phần lớn thập kỷ qua, Apple và Google đã chia nhau những vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng các nhãn hiệu giá trị nhất thế giới, trong đó Google thường đứng ngay bên dưới Apple.
Các cặp đại kình địch khác
Nhiều cặp đối thủ mới xuất hiện thời gian qua, hoặc mức độ cạnh tranh lẫn nhau chưa đủ căng thẳng để lọt vào top 5. Nhưng trong một vài năm nữa, ai mà biết chuyện gì sẽ xảy ra? Bạn nghĩ thế nào về những cặp đại kình địch dưới đây?
- Nvidia, Intel và Qualcomm
- Microsoft, Amazon và Apple
- Google và Facebook
- Alibaba và Tencent
- Salesforce, Oracle và SAP
- Netflix, Disney và Amazon
- Tesla và cả ngành công nghiệp xe hơi
- SpaceX và Blue Origin
Top 8 loài hoa đắt đỏ nhất hành tinh, có tiền cũng chưa chắc mua được
Nỗi buồn thất tình tàn phá con người thế nào?
Giới khoa học lo ngại về lò hạt nhân lỗi thời của Trung Quốc