7 nỗi sợ phổ biến nhất thế giới! Thử đọc xem có bạn trong đó hay không?
Hầu như ai cũng có cho mình một nỗi sợ. Vấn đề là nỗi sợ của bạn có giống với phần đông thế giới hay không?
Hầu như tất cả mọi người đều sợ một điều gì đó. Có người sợ chuột, sợ gián, sợ độ cao, sợ... ma, thậm chí... sợ cả nỗi sợ cũng có.
Nhưng những người giống bạn cũng không hiếm đâu. Dựa trên số liệu từ khảo sát của trang YouGov (một công ty nghiên cứu thị trường tại Anh Quốc), dưới đây là danh sách những nỗi sợ phổ biến nhất trên thế giới.
Thử xem nỗi sợ của bạn ở đâu nhé!
1. Sợ độ cao (acrophobia)
Chứng sợ độ cao được khoa học gọi là acrophobia.
Đây chính là nỗi sợ phổ biến nhất trên thế giới. Cụ thể theo kết quả từ YouGov, có ít nhất 23% cho biết cực kỳ sợ độ cao, và 35% chia sẻ họ "hơi sợ" một chút. Nỗi sợ này sẽ tăng dần theo thời gian, chứ không thể thuyên giảm.
Chứng sợ độ cao được khoa học gọi là acrophobia, và hiện tại vẫn chưa nắm rõ nguyên nhân tạo ra nỗi sợ ấy. Chỉ biết rằng người mắc chứng bệnh này có xu hướng "phóng đại" khoảng cách khi đứng trên cao nhìn xuống. Ai càng sợ, độ sai lệch trong đánh giá càng lớn.
2. Sợ rắn (ophidiophobia)
Trên thực tế, sợ rắn không phải là một nỗi sợ bẩm sinh.
Nỗi sợ phổ biến thứ 2 là sợ rắn - 21% cực kỳ sợ, và 31% cảm thấy không thoải mái khi nhìn thấy rắn.
Bản thân rắn là một sinh vật có ngoại hình đáng sợ, nên nhiều người không thích chúng cũng là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, có lẽ bạn sẽ thấy khá hơn nếu biết rằng hầu hết các loài rắn trên thế giới không hề có độc.
Trên thực tế, sợ rắn không phải là một nỗi sợ bẩm sinh. Trong các thí nghiệm của ĐH Virginia, trẻ 1 - 2 tuổi có thể phát hiện ra sự hiện diện của rắn rất nhanh, nhưng sẵn sàng chơi đùa với chúng (tất nhiên là các loài không có độc).
Theo các chuyên gia, đây là một cơ chế tiến hóa, vì khi con người có thể cảm nhận được rắn nhanh hơn, khả năng sống sót trong tự nhiên cũng lớn hơn.
3. Sợ đứng trước đám đông (glossophobia)
Chứng sợ đám đông có thể tác động đến bạn ở nhiều mức độ.
Nếu nỗi sợ này không có trong danh sách thì quả là một sai lầm.
Trong khảo sát, ít nhất 23% cảm thấy sợ, trong khi 36% thấy không thoải mái. Nhưng thực tế thì chỉ cần dạo qua một vòng các giảng đường và hỏi, bạn sẽ thấy phần đông các sinh viên đều mắc "căn bệnh" này.
Chứng sợ đám đông có thể tác động đến bạn ở nhiều mức độ. Có người cảm thấy lo lắng, căng thẳng đôi chút; có người gần như đứng bất động; có người thì bị đau bụng, thậm chí buồn nôn ngay ở thời điểm nói.
Cơ chế chính xác hình thành nên nỗi sợ này chưa được khoa học tìm ra.
4. Sợ nhện (Arachnophobia)
18% cho rằng họ cực kỳ sợ nhện.
Cùng với rắn, nhện cũng là một trong những nỗi sợ phổ biến nhất trên thế giới. 18% cho rằng họ cực kỳ sợ loài vật lông lá lắm chân này.
Cũng giống như sợ rắn, trẻ em có thể không sợ nhện, nhưng chúng phát hiện ra nhện cũng rất nhanh. Đây là một cơ chế quan trọng của quá trình tiến hóa, giúp con người sinh tồn trong quá khứ.
5. Sợ nơi chật hẹp (claustrophobia)
Người càng sợ, không gian xung quanh càng có xu hướng hẹp hơn.
14% người tham gia khảo sát có nỗi sợ này. Đây là nỗi sợ gần như tương tự với chứng sợ độ cao, chỉ khác là con người ta có cảm giác lệch lạc về không gian theo chiều hướng thu hẹp. Người càng sợ, không gian xung quanh càng có xu hướng hẹp hơn.
6. Sợ chuột (Musophobia)
Ít nhất 9% người được hỏi cực kỳ sợ chuột.
Chẳng ngạc nhiên khi chuột cũng là một trong những nỗi sợ phổ biến. Ít nhất 9% người được hỏi cực kỳ sợ chuột. Nếu so với quy mô dân số thế giới, ít nhất con số phải vượt 700 triệu người.
Có nhiều giả thuyết được đặt ra dành cho nỗi sợ này. Một số nhà khoa học cho rằng chuột thường xuất hiện rất bất ngờ, khiến con người ta giật mình và dần dần hình thành nỗi sợ. Số khác thì tin chuột là một loài phá hoại, lại mang nhiều dịch bệnh nguy hiểm, nên con người tiến hóa để sợ chúng (đặc biệt là với phụ nữ).
7. Sợ tiêm (trypanophobia)
Có một nỗi sợ như vậy thật, được gọi là sợ vật nhọn.
Bạn là con trai? Và bạn sợ đi tiêm? Đừng lo, bạn không cô đơn đâu.
Có một nỗi sợ như vậy thật, được gọi là sợ vật nhọn, và có ít nhất 8% người được hỏi sở hữu nó, bất kể giới tính. Trên thực tế, mãi đến năm 1994 việc sợ vật nhọn mới chính thức được xem là một dạng ám ảnh sợ hãi (phobia).
Một số người cho rằng nguyên nhân tạo ra nỗi sợ là di truyền - do tổ tiên con người từ ngày xưa đã sợ bị đâm bởi vật nhọn. Ngoài ra, các trải nghiệm xấu khi đi tiêm hồi nhỏ cũng góp phần khiến nỗi ám ảnh gia tăng.