Australia phát hiện loài gấu túi thời tiền sử
Các nhà nghiên cứu tại Australia đã phát hiện răng hóa thạch của một loài gấu túi (koala) từ thời tiền sử, có niên đại cách đây 25 triệu năm, ở vùng hẻo lánh của nước này.
Theo nghiên cứu, do Đại học Flinders công bố ngày 7/9, nghiên cứu sinh đồng thời là tác giả chính Arthur Crichton, cho biết đã phát hiện những chiếc răng hóa thạch tại địa điểm cách thị trấn Alice Springs thuộc Vùng lãnh thổ Bắc Australia 100km về phía Nam. Phân tích ban đầu cho thấy răng hóa thạch này có niên đại cách đây 25 triệu năm.
Ảnh phục dựng gấu túi thời tiền sử.
Đây là loài gấu túi chưa từng được biết đến. Dựa trên hình răng gai, các nhà khoa học đặt tên loài gấu túi này là Lumakoala blackae, do Luma trong tiếng Latin có nghĩa là cái gai.
Theo ông Crichton, loài gấu túi mới này nặng khoảng 2,5 kg, nhỏ hơn nhiều so với một con gấu túi trưởng thành ngày nay có trọng lượng 15 kg, và chủ yếu ăn lá mềm. Ông cho rằng phát hiện này giúp lấp đầy khoảng trống 30 năm trong quá trình tiến hóa của loài thú có túi mang tính biểu tượng của Australia.
Phân tích máy tính về mối quan hệ tiến hóa cho thấy Lumakoala blackae là thành viên hoặc có mối liên quan gần gũi với họ hàng gấu túi, nhưng loài này cũng giống với một số loài thú có túi hóa thạch có niên đại cách đây 55 triệu năm tên là Thylacotinga và Chulpasia được phát hiện ở khu vực Đông Bắc Australia.
Trước đây, 2 loài Thylacotinga và Chulpasia được cho là có họ hàng gần với các loài thú có túi ở Nam Mỹ. Tuy nhiên, việc phát hiện ra loài Lumakoala blackae cho thấy Thylacotinga và Chulpasia có thể là họ hàng ban đầu của các loài thú có túi ăn cỏ ở Australia như gấu túi, chuột túi.
Ngoài răng hóa thạch của loài gấu túi Lumakoala blackae, các nhà khoa học còn phát hiện răng hóa thạch của 2 loài gấu túi khác là Madakoala và Nimiokoala, sống cùng thời kỳ.
Giám đốc Phòng thí nghiệm cổ sinh vật học thuộc Đại học Flinders Gavin Prideaux cho biết đây là lần đầu tiên ghi nhận việc gấu túi xuất hiện ở Vùng lãnh thổ Bắc Australia.