Ba thí nghiệm nhằm tìm ra tính khả thi của du hành thời gian
Viễn cảnh du hành thời gian đã mê hoặc các nhà nghiên cứu và những người hâm mộ khoa học viễn tưởng trong nhiều thập kỷ, Stephen Hawking đã thực hiện một thí nghiệm về vấn đề này.
Mặc dù khái niệm này vẫn còn mang tính lý thuyết, nhưng nó đã truyền cảm hứng cho những thí nghiệm hấp dẫn và nhiều nghiên cứu nghiêm ngặt.
Thí nghiệm của Stephen Hawking: Lời mời chưa được trả lời
Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để tìm ra bằng chứng về du hành thời gian (Ảnh minh họa: SP).
Ngày 28/6/2009, nhà vật lý nổi tiếng người Anh Stephen Hawking (1942-2018) đã tổ chức một buổi tối đặc biệt tại Đại học Cambridge (Vương quốc Anh).
Nhân dịp này, ông đã chuẩn bị một căn phòng với những quả bóng bay đầy màu sắc, đồ trang trí lễ hội và đặt mua vài thùng rượu sâm panh.
Sau khi chuẩn bị xong, nhà vật lý kiên nhẫn chờ đợi sự xuất hiện của những vị khách mời. Tuy nhiên, nhiều giờ trôi qua vẫn không có ai xuất hiện, thất vọng vì điều này ông đã rời khỏi bữa tiệc do chính mình tổ chức.
Lý do cho sự vắng mặt này có liên quan đến một ý tưởng độc đáo của Hawking chính là ông gửi thiệp mời sau khi buổi tiệc diễn ra.
Lời mời có nội dung: "Trân trọng mời bạn đến dự tiệc chiêu đãi dành cho những người du hành thời gian", kèm theo thời gian ngày giờ chính xác của bữa tiệc và vị trí GPS của sự kiện đã qua.
Để đảm bảo rằng lời mời sẽ đến được với đông đảo khán giả, Stephen Hawking đã phổ biến thông tin qua một số phương tiện truyền thông để nó được phủ rộng rãi tới mọi người.
Mục tiêu thí nghiệm của Stephen Hawking là kiểm tra một giả thuyết hấp dẫn: Nếu người du hành thời gian tồn tại, họ sẽ có thể quay về quá khứ để tham dự bữa tiệc, ngay cả khi lời mời đã được gửi sau sự kiện.
Nhà vật lý sử dụng ý tưởng này để tìm hiểu xem liệu việc du hành thời gian có khả thi hay chứng minh rằng liệu các nguyên tắc vật lý hiện đại có cho phép một cuộc phiêu lưu tạm thời như vậy hay không.
Tuy nhiên, bất chấp cách tiếp cận khéo léo này, không có vị khách nào xuất hiện tại bữa tiệc.
Kết quả cho thấy, du hành thời gian vẫn chưa được phát hiện hoặc những người du hành thời gian không có lý do gì để tham gia một bữa tiệc như vậy.
Bằng chứng trên Internet
Nhóm các nhà vật lý đã tiến hành một cuộc điều tra nghiêm ngặt nhằm mục đích phát hiện các dấu hiệu tiềm ẩn của những người du hành thời gian trên Internet.
Cách tiếp cận của họ dựa trên ý tưởng rằng kiến thức hoặc thông tin về các sự kiện trong tương lai có thể xuất hiện trực tuyến trước khi nó được công chúng biết đến.
Họ nhắm mục tiêu cụ thể là các sự kiện mang tính bước ngoặt và giả định rằng, nếu những người du hành thời gian ghé thăm thời đại của chúng ta, họ có thể để lại dấu vết của mình trên Internet.
Du hành thời gian đến nay vẫn là một ẩn số (Ảnh minh họa: SP).
Nhóm nghiên cứu chọn 2 sự kiện quan trọng cho thí nghiệm của mình bao gồm: Việc phát hiện sao chổi ISON (C/2012 S1) vào năm 2012 và bầu Hồng y Argentina Jorge Mario Bergoglio làm Giáo hoàng Francis vào năm 2013.
Những sự kiện này đã được thông tin và thảo luận rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và công chúng đưa tin, cung cấp các điểm tham chiếu để phát hiện các sự kiện sớm có thể xảy ra.
Đối với nghiên cứu này, nhóm đã thực hiện trên nhiều phương tiện truyền thông hiện đại khác nhau như mạng xã hội Facebook, X (thời điểm đó là Twitter) và xu hướng tìm kiếm trên Google.
Mục đích chính là nó có thể giúp nhóm nghiên cứu phát hiện bất kỳ cuộc thảo luận hoặc đề cập nào về những sự kiện này trước khi nó có thông báo chính thức.
Ý tưởng được đặt ra là nếu những người du hành thời gian có mặt, họ có thể đã để lại manh mối trên những nền tảng này và tiết lộ những thông tin chưa từng được công bố.
Tuy nhiên một lần nữa, nhóm nhà khoa học đã không tìm thấy bằng chứng nào về việc sử dụng các thuật ngữ này trên Internet trước các sự kiện được đề cập.
Kêu gọi sự can thiệp từ những người du hành thời gian
Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng đã cố gắng thực hiện một cách tiếp cận tương tự như thí nghiệm của Stephen Hawking, bằng cách đưa ra lời kêu gọi trực tiếp đối với những người du hành thời gian.
Họ đã tạo một hashtag cụ thể trên mạng xã hội X (Twitter) là: "#ICannotChangeThePast2" (tạm dịch: Tôi không thể thay đổi quá khứ - phần 2), cuộc thử nghiệm này nhằm mục đích xác định xem liệu những người du hành thời gian đã sẵn sàng thể hiện hoặc tương tác với thời đại chúng ta bằng các phương tiện liên lạc hiện đại hay chưa.
Bất chấp những nỗ lực này, các nhà khoa học vẫn không thể thu được bằng chứng thuyết phục nào về việc du hành thời gian. Kết quả cho thấy, không có dòng tweet hoặc email báo trước nào thông báo về các sự kiện trong tương lai được nhận trước khi thông tin được công khai.
Các nhà nghiên cứu đã đề xuất một số lời giải thích khả dĩ cho việc thiếu bằng chứng này. Trước hết, những người du hành thời gian nếu có tồn tại, họ sẽ cố tình chọn cách không bị phát hiện nhằm tránh những nghịch lý hoặc để bảo toàn dòng thời gian.
Một giả thuyết khác là những người du hành thời gian có thể không để lại dấu vết lâu dài về sự hiện diện của họ do những hạn chế về vật lý hoặc công nghệ vẫn chưa được biết đến.