Bạn có biết: Đại dương nào "già" nhất thế giới?
Thái Bình Dương là đại dương lớn và sâu nhất thế giới, đồng thời cũng lâu đời nhất, chứa các mẫu đá có niên đại khoảng 200 triệu năm.
Thái Bình Dương là đại dương lớn, sâu và cổ xưa nhất thế giới. (Ảnh: NOAA).
Thái Bình Dương là đại dương lớn nhất thế giới với diện tích 163 triệu km2, rộng đến mức chứa vừa toàn bộ đất liền trên Trái đất, theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA). Rãnh Mariana, phía tây Thái Bình Dương, là rãnh đại dương sâu nhất hành tinh với độ sâu khoảng 11.000 m. Bên cạnh đó, Thái Bình Dương cũng là đại dương cổ xưa nhất thế giới với những mẫu đá có niên đại lên đến 200 triệu năm, IFL Science hôm 7/6 đưa tin.
Các đại dương trên thế giới liên tục thay đổi khi những mảng kiến tạo trong lớp vỏ Trái đất dịch chuyển. Thái Bình Dương thực chất đang thu hẹp lại trong khi Đại Tây Dương mở rộng về phía đó. Ở Thái Bình Dương có một khu vực được mệnh danh là "Vành đai lửa" do hoạt động núi lửa và động đất mạnh của các mảng kiến tạo.
Là đại dương "già" nhất thế giới, có vẻ hợp lý khi Thái Bình Dương cũng chứa vùng nước biển cực kỳ cổ xưa. Theo nghiên cứu, vùng nước lâu đời nhất ở Bắc Thái Bình Dương đã mắc kẹt trong một "vùng tối" nằm sâu dưới bề mặt suốt khoảng 1.000 năm.
Tuy nhiên, nó vẫn rất trẻ so với một số vùng nước mặn khác. Là tàn dư từ Bắc Đại Tây Dương, một vùng nước cổ đại nằm dưới Vịnh Chesapeake trong một miệng hố va chạm, hình thành cách đây 35 triệu năm. Giới khoa học cho rằng vùng nước này khoảng 100 - 145 triệu năm tuổi và đã luôn ở đó, nhưng được giải phóng khi tiểu hành tinh đâm xuống, sau đó mắc kẹt bên dưới. Vùng nước này cổ xưa đến mức có độ mặn gấp đôi nước biển hiện đại.
Trong khi đó, mảnh vỏ đại dương lâu đời nhất thế giới mà ngày nay vẫn chìm dưới nước nằm yên tĩnh dưới biển Địa Trung Hải thuộc Đại Tây Dương. Được cho là khoảng 340 triệu năm tuổi, cấu trúc này hình thành khi magma (đá nóng chảy) trào lên rồi nguội đi. Khi nguội đi ở sống núi giữa đại dương, các khoáng chất trong magma bị từ hóa, cho phép giới nghiên cứu phát hiện cấu trúc này bằng thiết bị cảm biến từ tính.