Bí ẩn bên trong xác ướp “quái vật Ai Cập” 3.000 tuổi
Một trong những xác ướp kinh dị nhất mà nhân loại tìm thấy từ các mộ cổ Ai Cập vừa trải qua cuộc khám nghiệm đặc biệt.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà khảo cổ học Lidija McKnight từ Đại học Manchester (Anh) đã tiến hành khám nghiệm một xác ướp đáng sợ bằng những kỹ thuật hiện đại, giúp khám phá bên trong mà không làm hư hỏng hiện vận.
Đó là một xác ướp quái dị lớn hơn xác ướp con người, đại diện cho thời kỳ mà kỹ thuật ướp xác của người Ai Cập cổ đại đạt đến đỉnh cao.
2005.335 là một trong những dạng hiện vật đáng sợ nhất mà người Ai Cập cổ đại để lại trong các phế tích: Xác ướp cá sấu - (Ảnh AI: Anh Thư).
Xác ướp bí ẩn mang mã số 2005.335, hiện được đặt trong Bảo tàng và Phòng trưng bày nghệ thuật Birmingham (Anh) và từng được xác định là một con cá sấu dài 2,2m.
Các nhà nghiên cứu không tìm thấy bất kỳ tài liệu nào giải thích con cá sấu đáng sợ này đến từ đâu và làm cách nào nó hiện diện trong bảo tàng, chỉ biết nó có thể lên tới 3.000 năm tuổi.
Trong nghiên cứu này, TS McKnight và các đồng nghiệp đã sử dụng công nghệ hình ảnh 3D hiện đại để kiểm tra con cá sấu nhằm làm sáng tỏ những giờ cuối cùng trong cuộc đời của nó và cái chết của con vật.
Xác ướp 2005.335 trong quá trình kiểm tra và một hình ảnh 3D thể hiện một phần đường tiêu hóa - (Ảnh: BẢO TÀNG BRIMINGHAM).
"Nghiên cứu đã tiết lộ những chi tiết đáng ngạc nhiên về cuộc sống và cách đối xử sau khi chết của loài vật này" - TS McKnight nói với tờ Newsweek.
Các bản quét cho thấy sự hiện diện của một con cá, được gắn vào một cái móc bằng đồng, mà con cá sấu dường như đã nuốt trọn, với bộ xương gần như còn nguyên vẹn.
Theo các nhà nghiên cứu, việc nuốt phải cái móc có thể đã gây ra cái chết của con cá sấu.
Các chi tiết khác bên trong đường tiêu hóa - ví dụ một số lượng lớn các viên đá nhỏ được gọi là gastrolith tập trung ở đoạn trên đường tiêu hóa - cho thấy con vật đã chết trước khi con cá kịp đến dạ dày.
Cá sấu thường nuốt các viên đá nhỏ như vậy để hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
Khoảng thời gian ngắn ngủi giữa lúc con cá bị nuốt và lúc con cá sấu chết cho thấy người Ai Cập cổ đại có thể đã sử dụng lưỡi câu có mồi để bắt loài bò sát này với mục đích ướp xác ngay từ đầu, chứ không phải vì nó chết nên họ mới ướp xác.
Trong tình huống đó, con cá sấu đã được ướp xác để làm một lễ vật trong một nghi lễ nào đó.
Cũng có khả năng cái chết của con cá sấu là một sự cố ngoài ý muốn khi những người Ai Cập cổ đại này đi câu. Với giả thuyết này, nó đã được ướp xác vì được tôn sùng.
Thực ra, người Ai Cập cổ đại tôn thờ loài bò sát lớn này như đại diện của Sobek, chúa tể sông Nile.
Là loài săn mồi hàng đầu, cá sấu được tôn trọng vì mối đe dọa mà chúng gây ra và biểu tượng của chúng được người Ai Cập cho là có thể xua đuổi nguy hiểm và bảo vệ các nơi chốn thiêng liêng khỏi những ảnh hưởng tiêu cực.
Dù được ướp với lý do gì, 2005.335 vẫn là biểu tượng của tín ngưỡng cổ xưa cũng như kỹ thuật ướp xác đáng kinh ngạc. Con cá sấu vẫn có độ nguyên vẹn cao khi bị tháo bỏ lớp băng trắng và dù đã đi qua 3.000 năm lịch sử.
Xác ướp của một số con cá sấu khác và nhiều động vật như mèo, đại bàng... từng được tìm thấy trong các phế tích Ai Cập, nhưng 2005.335 vẫn là một mẫu vật đặc biệt bởi độ bảo tồn tốt.
Nhưng nó đến từ đâu, vẫn còn là bí ẩn.