Biến đổi khí hậu có thể tạo ra nhiều "dòng sông trên trời" ở Đông Á
Một nghiên cứu mới tiết lộ biến đổi khí hậu có thể hình thành hiện tượng "sông khí quyển", hay còn gọi là "dòng sông trên trời", gây lượng mưa kỷ lục ở khu vực Đông Á.
Theo trang Daily Mail (Anh), các nhà khoa học tại Đại học Tsukuba (Nhật Bản) đã tạo ra mô hình nghiên cứu hoạt động của các dòng sông khí quyển và lượng mưa cực đoan ở khu vực Đông Á, dựa trên dữ liệu khí tượng thu thập được từ năm 1951 đến năm 2010 và dự đoán cho năm 2090. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng nếu nhiệt độ tăng thêm 4 độ C, trong trường hợp xấu nhất, các dòng sông khí quyển sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn, dẫn đến lượng mưa kỷ lục chưa từng có trên khắp khu vực này.
Theo dự báo, sườn phía tây nam của dãy Alps sẽ ghi nhận lượng mưa kỷ lục trong thời gian tới. (Ảnh: Shutterstock)
Giáo sư Yoichi Kamae nhà khoa học môi trường tại Đại học Tsukuba, tác giả nghiên cứu, cho biết theo mô phỏng, hiện tượng sông khí quyển sẽ xảy ra trên các sườn núi phía nam và phía tây ở Đông Á, gây ra lượng mưa kỷ lục ở các khu vực bao gồm Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan và đông bắc Trung Quốc. Sườn phía tây nam của dãy Alps, Nhật Bản, là khu vực sẽ ghi nhận lượng mưa lớn nhất.
“Hiện tượng nóng lên toàn cầu ngày càng trở nên rõ rệt và nó không chỉ khiến nhiệt độ Trái Đất ấm lên. Đúng như tên gọi, các dòng sông khí quyển là những dải hơi nước dài và hẹp chảy qua bầu khí quyển. Khi một trong những dải này gặp phải rào cản, chẳng hạn như một dãy núi, nó có thể tạo ra lượng mưa hoặc tuyết rơi vô cùng lớn”, các nhà khoa học giải thích.
Các hiện tượng cực đoan, chẳng hạn như mưa lớn, lũ lụt và sóng nhiệt, đang ngày càng xảy ra thường xuyên hơn và khốc liệt hơn trên khắp thế giới. Các nhà nghiên cứu cảnh báo điều này tạo ra nhu cầu cấp thiết đối với việc dự báo và chuẩn bị kịch bản đối phó trong tương lai.
Các quốc gia Đông Á đã phải hứng chịu nhiều tác động từ hiện tượng thời tiết cực đoan gây thiệt hại nặng nề trong thập kỷ qua. Khu vực này đã chứng kiến những trận mưa vô cùng lớn hồi tháng 7/2018 và tháng 7/2020. Một số quốc gia đã phải trả giá đắt về mặt xã hội, bao gồm cả tính mạng con người. Vì vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng việc dự đoán lượng mưa ở khu vực này, khi khí hậu tiếp tục thay đổi, là một yếu tố vô cùng quan trọng.
Dù chỉ phân tích dữ liệu ở Đông Á, nhóm nghiên cứu cho biết dự đoán của họ cũng có thể áp dụng cho các khu vực vĩ độ trung bình, với các dãy núi dốc, bao gồm châu Âu và Bắc Mỹ. Việc tạo ra các mô phỏng dựa trên các kết quả biến đổi khí hậu khác nhau cho phép các nhà khoa học dự đoán tác động của các hiện tượng thời tiết khác nhau khi Trái Đất nóng lên.
“Phát hiện của chúng tôi cũng có thể áp dụng cho các khu vực khác ở vĩ độ trung bình, nơi tương tác giữa sông khí quyển và núi dốc đóng vai trò chính ảnh hưởng tới lượng mưa, chẳng hạn như ở phía tây Bắc Mỹ và châu Âu. Những khu vực này cũng có thể trải qua các hiện tượng mưa cực lớn thường xuyên hơn và dữ dội hơn khi khí hậu ấm lên”, Giáo sư Kamae cho biết.
Phát hiện mới đã được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters.

Con sông hẹp nhất thế giới chỉ rộng vài centimet
Sông Hualai ở Trung Quốc, dài hơn 17km nhưng có chiều rộng trung bình chỉ 15 cm. Nơi hẹp nhất của nó chỉ rộng 4cm.

Bão tuyết là gì? Bão tuyết được hình thành như thế nào?
Bão tuyết là một hiện tượng đặc trưng bởi sức gió mạnh ít nhất là 56km/h và kéo dài trong một thời gian dài - thường là ba giờ hoặc hơn.

Những ứng dụng của kim loại Bạc từ quá khứ đến hiện tại
Bạc là một trong những kim loại linh hoạt nhất trên Trái đất, với sự kết hợp độc đáo giữa các công dụng như một kim loại quý và kim loại công nghiệp.

Vì sao trước khi mưa, mây thường có màu đen?
Lúc trời bắt đầu mưa, một trong những dấu hiệu nhận biết là khi nhìn lên trời, chúng ta sẽ mây có màu đen xám xịt.

Tại sao mây có nhiều màu sắc?
Mây trên trời đa phần đều là màu trắng pha một chút xám, nhưng đôi khi cũng có những đám mây đủ màu như đen, hồng, tím, vàng, đỏ,... Màu sắc mây có được đều do mây phản chiếu lại ánh sáng mặt trời; đồng thời cũng có mối quan hệ chặt chẽ giữa thời gian hình thành, phạm vi phân bố, kích thước và thể thích của mây.

Bão "cyclone", bão "typhoon" và bão "tropical storm" có gì khác biệt?
Khi theo dõi thông tin về các cơn bão lớn trên thế giới, chúng ta thường thấy những cụm từ này. Vậy, chúng có gì khác biệt?
