Bít tết rất ngon, nhưng ai tuyệt đối không nên ăn món này?
Một số trường hợp nên hạn chế ăn bít tết. Tuy nhiên, một số người cần tránh hoàn toàn món ăn này, theo Eat This, Not That.
Không gì bằng một miếng bít tết lớn, ngon ngọt, bên cạnh là khoai tây nghiền mịn cùng rau xanh được tẩm gia vị hoàn hảo. Tuy nhiên, có bao giờ bạn đã tự hỏi liệu thịt đỏ có tốt cho sức khỏe tổng thể hay không?
Tin tốt, nếu sử dụng có chừng mực, những miếng bít tết nạc sẽ tốt cho bạn. Tuy nhiên, Bác sĩ, TS Mike Bohl - Giám đốc Nội dung Y tế và Giáo dục tại Ro (Mỹ) - cho biết một số trường hợp nên tránh hoặc bỏ qua hoàn toàn món ăn này.
Bít tết có thể tốt nếu tiêu thụ vừa phải. Nếu quá mức, nó có thể gây ảnh hưởng cho cơ thể. (Ảnh: Cooking classy).
Những người có vấn đề sức khỏe về đường ruột
Đa số các loại thực phẩm đều tốt nếu tiêu thụ vừa phải, tuy nhiên, bít tết có thể ảnh hưởng đến những người có dạ dày nhạy cảm. Giải thích điều này, TS Bohl chỉ ra các vấn đề về đường tiêu hóa làm cho việc tiêu hóa thịt đỏ trở nên khó khăn hơn.
Lượng protein cao cùng chất béo có trong bít tết và thịt đỏ sẽ mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa. Theo Geelong Medical Group, dấu hiệu đầu tiên của vấn đề này là đầy hơi dữ dội và khó chịu. Đó là kết quả của các chất độc dư thừa tích tụ trong đường tiêu hóa.
Bất cứ ai bị dị ứng thịt đỏ
TS Bohl lưu ý trường hợp duy nhất nên tránh hoàn toàn ăn bít tết là những người có phản ứng ngắn hạn với nó, chẳng hạn như những người bị dị ứng.
Theo Mayo Clinic, hội chứng Alpha-gal - chỉ mới được phát hiện - được định nghĩa là dị ứng với các sản phẩm từ động vật có vú, đặc biệt là phần thịt đỏ. Mặc dù hiếm khi xảy ra, nhưng dị ứng thịt đỏ có thể xuất hiện sau vài phút ăn một miếng bít tết.
Các triệu chứng của dị ứng có thể kể đến như phát ban, ngứa, da có vảy (chàm), chảy nước mũi, nhức đầu, thở khò khè hoặc khó thở, đau dạ dày, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn và sưng tấy ở các bộ phận cơ thể như môi, mặt, lưỡi và cổ họng.
Người bị dị ứng thịt đỏ nên tránh hoàn toàn bít tết. (Ảnh: iStock).
Những người mắc bệnh tiểu đường
TS Bohl giải thích bít tết và hầu hết loại thịt đỏ có lượng chất béo bão hòa cao hơn, có thể tích tụ nhiều cholesterol xấu trong máu, làm tăng huyết áp của cơ thể.
Hiệp hội Tiểu đường Mỹ khuyến nghị lượng chất béo tổng cộng cho một người mắc bệnh tiểu đường không nên vượt quá 20 gram/ngày. Trong khi đó, một miếng bít tết nặng trung bình 226 gram chứa khoảng 19 gram chất béo bão hòa.
TS Cedrina Calder - chuyên gia của Eat This, Not That - chỉ ra những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn, vì vậy, tránh bít tết sẽ ngăn ngừa gia tăng nguy cơ nhiều hơn.
Bất kỳ ai có tiền sử gia đình mắc ung thư đại trực tràng
Thường xuyên ăn bít tết có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, với những người mang một số di truyền nhất định thì hơn thế. Tiêu thụ bít tết và các loại thịt đỏ tương tự có liên quan đến một số bệnh ung thư khác nhau, đặc biệt là ung thư ruột kết.
Theo các nhà nghiên cứu tại Viện Ung thư Mỹ, một số hợp chất nhất định trong bít tết và các loại thịt đỏ gây ra thiệt hại do alkyl hóa, dẫn đến hình thành bệnh ung thư. Harvard Health cũng chỉ ra những người tiêu thụ trên 140 gram bít tết hoặc thịt đỏ mỗi ngày tăng 28% nguy cơ phát triển ung thư ruột kết.
Vì vậy, nếu tiền sử gia đình mắc ung thư ruột kết, tránh ăn bít tết là lựa chọn khôn ngoan, theo TS Calder.
Tiêu thụ bít tết và các loại thịt đỏ có thể phát triển ung thư ruột kết. (Ảnh: Health Status).
Lựa chọn thay thế
Không thể phủ nhận độ hấp dẫn của bít tết. Với nhiều người, việc loại bỏ chúng là điều khó khăn. Tuy nhiên, có nhiều lựa chọn thay thế chúng.
Các lựa chọn thịt đỏ lành mạnh hơn bao gồm thịt nai, heo và bò rừng chứa ít chất béo bão hòa hơn thịt bò. Nếu vẫn muốn ăn thịt bò, hãy chọn miếng thịt nhiều nạc nhất có thể. Phần thịt bò nạc bao gồm nạc vai, thăn trên, thăn hông…