Brazil phát hiện bức tranh khắc đá 10.000 năm tuổi
Các nhà khảo cổ Brazil vừa phát hiện một bức tranh khắc đá 10.000 năm tuổi. Tác phẩm này đã trở thành một trong những bức tranh khắc đá trong hang cổ nhất tại châu Mỹ.
Thông tin được đăng tải trên tuần báo khoa học PLoS ONE, dẫn đến những tranh cãi dữ dội về việc con người đã tới châu Mỹ từ khi nào và bằng cách nào.
Bức tranh dài 30cm, khắc hình một người đàn ông với cái đầu hình chữ C, mỗi bàn tay có ba ngón và một dương vật ngoại cỡ.
Bức tranh khắc đá được cho là cổ nhất
Walter Neves, nhà khảo cổ ở Đại học Sao Paulo và là thành viên đội khảo cổ nói rằng, tranh khắc đá hay petroglyph, có thể là một phần trong "nghi thức thờ cúng sinh sản".
Tác phẩm cổ đại này được tìm thấy hồi năm 2009 ở Lagoa Santa, tại miền Trung Brazil, cách Belo Horizonte, thủ phủ bang Minas Gerais, khoảng 60km.
Theo bài viết của các tác giả, bao gồm cả Walter Neves, trên tuần báo PLoS ONE "Chúng tôi có thể tự tin nói rằng, bức tranh khắc đá này đã hơn 10.500 tuổi, thậm chí có thể là 12.000 năm tuổi. Điều đó có nghĩa bức tranh khắc đá này là cổ nhất từng được tìm thấy ở Tân Thế giới".
Các chuyên gia nói rằng, họ đã tiến hành đo carbon bức tranh và cả phần đất sét bao quanh tranh.
Giả thuyết được chấp nhận nhiều nhất cho tới nay là con người đã vượt qua eo biển Bering bị đông cứng từ Siberia và đi tới Alaska cách đây 11.000 năm, trước khi họ chuyển dần xuống phương Nam ấm áp hơn.
Giả thuyết trên, còn được gọi là "Clovis First" nói rằng, những người Clovis từ Tây Bắc Mỹ là những cá nhân đầu tiên tới châu Mỹ vào khoảng 11.500 năm trước. tuy nhiên, nhà khảo cổ Walter Neves - một người luôn phê phán giả thuyết này - đã không đồng tình.
Ông nói với báo chí địa phương: "Chúng tôi đã chứng minh rằng, người ta tới sống ở châu Mỹ từ rất sớm. Khoảng 11.000 năm trước đây đã có sự đa dạng lớn của các biểu tượng xuất hiện tại lục địa này".