Bức ảnh về sức mạnh lọc nước của trai nước ngọt
Trai nước ngọt, sinh vật quan trọng giúp làm sạch nước tự nhiên, đang giảm dần tại Mỹ và gây ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái.
Các sông hồ nước ngọt tại Mỹ đang mất đi một vũ khí quan trọng: trai nước ngọt. Là một phần không thể thiếu của "đội ngũ" làm sạch tự nhiên, sự vắng mặt của chúng có thể tác động tiêu cực đến vô số vùng nước trên khắp nước Mỹ, thậm chí xa hơn, IFL Science hôm 8/11 đưa tin.
Bể nước đục không có trai nước ngọt (trái) và bể chứa 15 con trai (phải) sau 90 phút, nước trở nên trong suốt. Ảnh: D. Kreeger/Partnership for the Delaware Estuary
Để nhấn mạnh tầm quan trọng của những sinh vật có vỏ này, Cơ quan Cá và Động vật hoang dã Mỹ (FWS) chia sẻ ảnh chụp của tổ chức Partnership for the Delaware Estuary, thể hiện khả năng lọc ấn tượng. Bức ảnh cho thấy hai chiếc bể đổ đầy nước hồ đục ngầu chứa bùn và tảo, nhưng một bể có thêm 15 con trai. Chỉ trong 90 phút, bể có trai đã trở nên trong suốt, trong khi bể không trai vẫn đục ngầu. "Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của trai nước ngọt", FWS viết.
Theo ước tính, một con trai nước ngọt có thể bơm và lọc 30 - 57 lít nước mỗi ngày. Hoạt động như máy hút bụi mini, chúng giúp cải thiện chất lượng nước bằng cách lọc vi khuẩn, tảo và chất ô nhiễm. Nếu một vùng nước ngọt đột ngột mất đi những con trai, chất lượng nước sẽ giảm mạnh, gây ra những thay đổi lớn cho hệ sinh thái.
Nhiều loài trai nước ngọt có thể sống cả thế kỷ. Dù rất bền bỉ, chúng đang phải đối mặt với rắc rối nghiêm trọng ở nhiều nơi tại Mỹ. Những năm gần đây, nhiều quần thể trai nước ngọt trải qua các đợt chết hàng loạt trên khắp Michigan, Minnesota, Bắc Carolina, Ohio, Oregon, Virginia, Washington và Wisconsin.
Do khả năng lọc và hành vi kiếm ăn dưới đáy sông hồ của trai nước ngọt, tình trạng ô nhiễm và các chất gây ô nhiễm môi trường thường được cho là nguyên nhân làm chết trai. Tuy nhiên, không yếu tố nào trong số đó được xác định trong các trường hợp chết gần đây.
Một khả năng khác là có loại virus mới đang hoạt động. Một nghiên cứu năm 2020 phát hiện một loại virus chưa từng thấy trong phân họ virus Densovirinae xuất hiện phổ biến hơn ở những con trai ốm yếu so với những con khỏe mạnh. Như vậy, virus có thể là một yếu tố dẫn đến các sự kiện chết hàng loạt.
Dù phát hiện mới là một bước đột phá, có khả năng còn nhiều mối đe dọa khác đang diễn ra, bao gồm các loại chất ô nhiễm và mầm bệnh. "Nếu mất đi trai, sông hồ và những gì phụ thuộc vào chúng sẽ không bao giờ còn như xưa. Chúng là sinh vật nền tảng cho các hệ sinh thái nước ngọt", Tony Goldberg, giáo sư Khoa học bệnh lý tại Đại học Wisconsin-Madison, nhận định.

Tuyển tập những con vật "đô con" nhất thế giới
Từ chú khỉ bụng phệ thích ăn vặt đến con mèo hơn 5,5kg thường bị nhầm là chó… không phải loài động mũm mĩm nào cũng dễ thương và đáng yêu

“Gan lì cóc tía": Hóa ra cóc tía là con vật kỳ lạ này
Cóc tía là con vật đã đi vào tiềm thức người Việt qua câu thành ngữ "gan lì cóc tía". Nhưng hiện tại, hầu như không ai có cơ hội bắt gặp chúng trong thực tế.

Loài xâm lược mặt trăng xuất hiện thành viên mới, mặt như cá trê
Ẩn mình trong các dãy núi của cao nguyên Trung Á, một loài mới thuộc dòng họ tardigrade bất tử, có thể sống khỏe ngay cả trên... mặt trăng hoặc trong không gian giữa các vì sao, đã lộ diện.

Con nưa được cho là có 9 lỗ mũi, thế nhưng cũng chưa là gì so với sinh vật 20 "lỗ mũi" này
Nưa là tên một sinh vật được lưu truyền trong dân gian và được những người đi rừng mô tả lại.

Phát hiện "giác quan thứ 6" ở chuột
Các nhà khoa học đã phát hiện thấy "giác quan thứ 6" có thể nhận biết ánh sáng mà không cần thị giác. Nhóm các nhà khoa học thuộc trường đại học Duke ở North Carolina (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu với 6 con chuột.

Cảnh tượng đại bàng vàng quăng sơn dương xuống từ vách núi gây sốc
Đại bàng vàng dùng móng vuốt quắp sơn dương chamois nặng gấp khoảng 10 lần, sau đó giết chết con mồi bằng cách thả rơi từ trên cao.
