Cá nóc là gì và tại sao chúng có độc gây chết người?
Cá nóc được coi là loại sinh vật có xương sống độc thứ 2 trên thế giới, chỉ sau ếch độc phi tiêu vàng. Trong gan và đôi khi là cả da của chúng chứa rất nhiều độc tố, có thể giết người.
Tìm hiểu về cá nóc
Cá nóc là một sinh vật có xương sống, rất độc. Tại Việt Nam, nó còn có tên là cá cóc, cá bống hoa, cá đùi gà. Tại Mỹ, cá nóc được gọi là pufferfish còn Nhật Bản gọi sinh vật này là fugu. Sinh vật này sống chủ yếu ở vùng biển cận nhiệt đới và ở nước mặn nhiều hơn nước ngọt. Bộ cá nóc Tetraodontiformes còn được gọi là Plectognathi có 9 họ, hơn 400 loại thuộc 13 giống.
Cá nóc có kích thước từ nhỏ đến trung bình, thân dài từ 4 - 40cm, thân chắc, đầu to, mắt lồi, thịt trắng. Đây là một sinh vật rất độc, độc tố chủ yếu tập trung ở da, ruột, gan, cơ bụng và nhiều nhất là ở trứng. Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng cá nóc cái độc hơn con đực, đặc biệt là vào mùa sinh sản.
Cá nóc có ngoại hình khá kỳ lạ với khoang bụng rất rộng
Cá nóc có ngoại hình khá kỳ lạ với khoang bụng rất rộng. Các nhà sinh vật học cho rằng điều này là do chúng có phong cách bơi chậm chạp và vụng về khiến dễ bị các loài khác ăn thịt. Thay vì chạy trốn, cá nóc tận dụng dạ dày có tính đàn hồi cao và khả năng nhanh chóng hấp thụ một lượng nước khổng lồ để tự biến mình thành một 'quả bóng' to gấp nhiều lần kích thước của chúng. Kích thước này khiến kẻ của của cá nóc thường không thể ăn được nó. Thậm chí, một số loài cá nóc còn có gai trên da khiến chúng không dễ bị ăn thịt.
Cá nóc có nhiều màu sắc khác nhau. Một số loại mang màu sắc hoang dã để 'quảng cáo' cho độc tính của chúng. Trong khi đó, những loài khác thường có màu sắc khá bí ẩn, tối để hòa hợp với môi trường xung quanh.
Loại sinh vật này thường ăn các động vật không xương sống và tảo. Một số loài cá nóc lớn thậm chí còn ăn ngao, trai và một số loại động vật có vỏ. Những con cá nóc có độc tố được cho là tổng hợp độc chết người từ vi khuẩn trong động vật mà nó ăn.
Độc tính của cá nóc
Chất độc của cá nóc gọi là tetrodotoxin - một loại độc tố thần kinh vô cùng nguy hiểm. Nó độc hơn cyanua khoảng 1.200 lần. Người ta ước tính rằng độc tố trong 1 con cá nóc đủ để giết chết 30 người và không có loại thuốc nào giải được độc tố này. Điều đặc biệt là cá nóc không thể sinh tổng hợp ra tetrodotoxin mà nó xuất hiện là do các vi khuẩn cộng sinh. Do đó, nếu cá nóc được nuôi dưỡng cách ly thì độc tố không xuất hiện.
Khi cá nóc bị ươn thì tetrodomin sẽ biến đổi thành tetrodotoxin gây ra độc tố cực mạnh.
Bình thường, độc tố của cá nóc tồn tại ở dạng tiền độc tố tetrodomin không độc. Đến khi sinh vật này bị ươn thì tetrodomin sẽ biến đổi thành tetrodotoxin gây ra độc tố cực mạnh. Điểm đặc biệt là khi đun sôi tetrodotoxin ở 1.000 độ C trong 6h liên tục thì nó mới giảm độc tố đi 50%. Chỉ đến khi đun sôi ở 2.000 độ C trong 10 phút thì độc tố mới hoàn toàn mất đi. Điều này khiến chúng ta có thể khẳng định độc tố của cá nóc không thể biến mất bằng những cách nấu ăn thông thường.
Tuy vậy, tại một số nơi thịt cá nóc được coi là "cao lương mĩ vị". Tại Nhật Bản món ăn có thịt cá nóc rất đắt đỏ và chỉ được chế biến bởi những đầu bếp được đào tạo bài bản, có giấy phép hành nghề. Họ biết rằng chỉ cần sơ sót một chút đồng nghĩa với việc khách hàng gần như chắc chắn sẽ tử vong nên sẽ làm vô cùng cẩn thận.
Thịt cá nóc tại Nhật Bản thường có trong thực đơn của những bữa tiệc rất sang trọng. Một số nơi ở đây còn nghiên cứu cách nuôi dưỡng cá nóc an toàn, không chứa chất độc. Thậm chí, cá nóc là biểu tượng của thành phố Shimono-seki và hình ảnh sinh vật này được trang trí ở khắp nơi tại đây.
Dù vậy, trên thực tế hàng năm vẫn có nhiều trường hợp tử vong vì ăn thịt cá nóc.