Các đại dương nóng lên chưa từng thấy giữa đại dịch
Các đại dương thế giới đã chạm mức nhiệt độ cao kỷ lục, làm dấy lên lo ngại về hiệu ứng nóng lên toàn cầu có thể khiến cho thời tiết trong năm trở nên cực kỳ khắc nghiệt.
Các vùng biển thuộc Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đều đạt mức nóng nhất vào tháng trước, theo Trung tâm Thông tin Môi trường Quốc gia Mỹ.
Nhiệt độ cao đã đưa ra cảnh báo về một mùa bão dữ dội ở Đại Tây Dương, các vụ cháy rừng khốc liệt từ Amazon đến Australia, cũng như thời tiết nắng nóng kỷ lục cùng với giông bão mạnh ở miền nam Mỹ, theo Bloomberg.
Tại Vịnh Mexico, nơi các mỏ khoan dầu ngoài khơi chiếm 17% sản lượng dầu của Mỹ, nhiệt độ nước biển đo được là 24,6 độ C, cao hơn 1 độ so với mức nhiệt trung bình, theo Phil Klotzbach từ Đại học bang Colorad. Nước ở Vùng Vịnh ấm lên có thể gây ra các cơn bão dữ dội.
“Nhiệt độ của toàn bộ đại dương ở khu vực nhiệt đới đo được trên trung bình”, Michelle L’Heureux, nhà dự báo của Trung tâm Dự báo Thời tiết Mỹ, cho biết. “Điều này cấu thành nên sự nóng lên toàn cầu. Thật đáng lo ngại khi bạn nhìn vào tất cả đại dương ở khu vực nhiệt đới và thấy chúng nóng như thế nào”.
Nước nóng kỷ lục ở Vịnh Mexico tràn vào các quần thể ven biển khiến nhiệt độ trên đất liền cũng trở nên nóng nhất từ trước tới nay, Deke Arndt, Trưởng Bộ phận Giám sát tại Trung tâm Thông tin Môi trường Quốc gia ở Asheville, Bắc Carolina, cho biết.
Màu càng đỏ đậm chứng tỏ nước biển ở khu vực đó càng nóng, theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA). (Ảnh: NOAA).
Florida ghi nhận tháng 3 nóng nhất từ trước đến nay, trong khi Miami đạt gần 34 độ C hôm 15/4, cao hơn trung bình 9 độ C.
Trong khi virus corona đang gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng ở Mỹ khiến hơn 734.000 người nhiễm và hơn 39.000 người chết, thì sự nóng lên toàn cầu tiếp tục là một mối đe dọa. Chuyên gia Arndt nói rằng nước biển “giữ nhiệt tốt hơn khí quyển”.
Nhìn chung, các công cụ hiện đại đã đo được 5 năm gần đây là những năm nước biển nóng nhất. Nó “chắc chắc có liên quan đến biến đổi khí hậu”, Jennifer Francis, nhà khoa học cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu Woods Hole ở Massachusetts, nhận định. “Các đại dương đang hấp thụ khoảng 90% nhiệt lượng từ các khí thải nhà kính”.
Các báo cáo về cơn bão đầu tiên của bang Colorado năm 2020, do Klotzbach dẫn đầu đã đưa ra dự báo năm nay có 8 cơn bão được hình thành từ Đại Tây Dương và ít nhất 1 lần sẽ đổ bộ vào Mỹ trong mùa bão tháng 6, bắt đầu từ 1/6.
Các đại dương cũng đóng vai trò trong việc ấn định giai đoạn cho các vụ cháy rừng. Trong trường hợp của Australia và Amazon, các vùng nước thực sự ấm của đại dương có thể kéo mưa ra khỏi đất liền, gây khô hạn, thậm chí, hạn hán. Ví dụ, năm 2019, Ấn Độ Dương thực sự đã làm nóng châu Phi, vì vậy đó là nơi tất cả cơn bão đi qua, bỏ lại Australia khi đó có nhiệt độ cao và khô.