Các nhà cổ sinh vật học phát hiện hóa thạch hiếm của khủng long không răng
Các nhà cổ sinh vật học Brazil tìm thấy một bộ xương 70 - 80 triệu năm của một loài khủng long ăn thịt chưa từng được biết tới.
Sinh vật được đặt tên Berthasaura leopoldinae là một loài khủng long chân thú cỡ nhỏ, chỉ dài khoảng 1 m và cao 80 cm. Dù là động vật ăn thịt, nó hoàn toàn không có răng mà thay vào đó sở hữu chiếc miệng nhỏ và nhọn giống như mỏ chim.
Mô phỏng khủng long Berthasaura leopoldinae sống cách đây 70 - 80 triệu năm. (Video: AFP)
"Miệng không có răng làm dấy lên nghi ngờ về chế độ ăn của Berthasaura leopoldinae. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nó không thể ăn thịt. Rất nhiều loài chim, chẳng hạn như chim ưng và ó, đều ăn thịt bằng mỏ. Cũng có khả năng loài khủng long mới là động vật ăn tạp, ăn bất thứ gì có thể trong một môi trường sống khắc nghiệt", tác giả chính của nghiên cứu Geovane Alves Souza từ Bảo tàng Quốc gia Brazil tại Rio de Janeiro giải thích.
Bộ xương của sinh vật được tìm thấy dọc theo một con đường nông thôn ở bang Parana, miền nam Brazil. Trong báo cáo trên tạp chí Nature hôm 18/11, nhóm khai quật nhấn mạnh đây là phát hiện "rất hiếm" và là một trong những hóa thạch khủng long kỷ Phấn trắng hoàn chỉnh nhất ở Brazil.
Hình mô phỏng khủng long Berthasaura leopoldinae.
"Hóa thạch còn lưu giữ cả hộp sọ, hàm, xương sống, xương ức, xương chậu, các chi trước và chi sau", Giám đốc bảo tàng Alexandre Kellner nói thêm.
Việc đặt tên Berthasaura Leopoldinae cho loài khủng long mới nhằm vinh danh Bertha Lutz, một nhà khoa học và chính trị gia nổi tiếng của Brazil đã qua đời vào năm 1976. Bà là người đi đầu trong phong trào nữ quyền và nhân quyền, có đóng góp quan trọng trong việc giành quyền bầu cử cho phụ nữ ở Brazil. Bertha Lutz từng có thời gian làm việc tại Bảo tàng Quốc gia như một nhà tự nhiên học chuyên về ếch phi tiêu độc.