Cách hâm nóng thức ăn tránh ngộ độc thực phẩm
Việc hâm nóng thức ăn có thể làm giảm hương vị. Người ăn còn có thể bị ngộ độc thực phẩm nếu không điều chỉnh đúng nhiệt độ thích hợp hoặc thao tác sai kỹ thuật.
Hâm nóng thức ăn là thao tác thường xuyên và quen thuộc trong nhà bếp. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm đúng và an toàn. Những lời khuyên sau sẽ giúp bạn thực hiện quy trình này khoa học hơn.
Cách làm nguội thức ăn
Làm nguội thức ăn nhanh chóng sau khi nấu là chìa khóa để việc hâm lại an toàn. Phần thức ăn thừa nên để nguội tối đa 2 giờ trước khi cất vào tủ lạnh. Bạn có thể chia các mẻ thực phẩm lớn như món hầm, súp vào hộp đựng nông để nhiệt độ giảm nhanh hơn.
Vi khuẩn phát triển mạnh khi nhiệt độ trên 8 độ C. Do đó, thay vì rã đông ở nhiệt độ phòng, thực phẩm nên đặt ở ngăn dưới tủ lạnh qua đêm. Nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể rã đông bằng lò vi sóng trước khi hâm nóng kỹ ở nhiệt độ cao hơn.
Để hâm nóng nhanh và đều hơn, bạn có thể cắt thức ăn thành các miếng nhỏ kích thước bằng nhau.
Cách làm nóng thức ăn
Hâm thức ăn có nghĩa là nấu lại nhưng không phải làm nóng sơ qua như quan niệm sai lầm phổ biến. Thực phẩm phải được làm nóng đến nhiệt độ bên trong là 70 độ C và giữ ở mức này ít nhất 2 phút. Bạn có thể sử dụng nhiệt kế để kiểm tra xem thức ăn đã được hâm nóng hoàn toàn chưa.
Thức ăn nên hâm đến khi bốc hơi nóng và thưởng thức ngay sau đó. Việc trì hoãn bữa ăn tạo thời gian cho vi khuẩn có hại phát triển, khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng lên đáng kể. Thức ăn thừa chỉ nên hâm lại một lần.
Hâm nóng nhiều lần làm giảm hương vị, hàm lượng dinh dưỡng và tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Cách hâm nóng bằng lò vi sóng
Đối với một số thức ăn thừa nấu sẵn như các món hầm và súp, USDA (Cơ quan Kiểm tra và An toàn Thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Mỹ) cho rằng có thể hâm nóng trực tiếp trên bếp hoặc lò nướng, lò vi sóng mà không cần rã đông.
Nếu sử dụng lò vi sóng, bạn nên làm nóng hoàn toàn trước đó. Bỏ qua bước này, thực phẩm sẽ không đạt nhiệt độ đủ nhanh và có thể mất an toàn. Đĩa hoặc bát phải đảm bảo độ dày giúp nhiệt truyền qua món ăn đồng đều.
Với các loại ngũ cốc như cơm hoặc thực phẩm có diện tích bề mặt lớn, màng bọc thực phẩm sẽ giúp món ăn không bị khô. Bạn nên sử dụng màng bọc phù hợp và an toàn khi làm nóng. Thực phẩm không nên bọc quá chặt trong giấy bạc. Nước sẽ bị đọng lại khiến thức ăn bị nhão.
Thực phẩm khô, giòn như gà rán sẽ ngon hơn khi hâm lại bằng lò.
Các lưu ý khác
Để tránh nấu quá chín, bạn nên hâm nóng thức ăn theo từng giai đoạn bằng cách thêm lần lượt từng nguyên liệu. Ngăn thực phẩm bị khô bằng cách thêm một ít nước trong quá trình hâm nóng.
Nếu hâm cơm, bạn có thể thả một viên đá vào giúp giữ ẩm cho hạt khi chín. Lưu ý, bạn phải kiểm tra nhãn thực phẩm nếu có kèm hướng dẫn hâm nóng lại và làm theo cẩn thận. Nước sốt và súp nên được khuấy đều trong suốt quá trình đun.
Tất cả loại thịt chỉ nên hâm nóng một lần và không nên làm đông lại đồ sống.
Với một số món như thịt gà đông lạnh, bạn có thể chế biến cà ri hoặc hầm. Sau đó, món ăn có thể bảo quản tiếp tục trong tủ đông và an toàn khi hâm lại cho bữa tối.