Cặp hố đen tạo ánh sáng mạnh hơn một nghìn tỷ ngôi sao
Hố đen nhỏ trong thiên hà OJ 287 đâm vào đĩa vật chất của hố đen siêu khối lượng, tạo ra đợt lóe sáng mạnh.
Hai hố đen của thiên hà OJ 287 cách Trái đất 3,5 tỷ năm ánh sáng đang tham gia một "vũ điệu" độc đáo. Hố đen khổng lồ ở trung tâm thiên hà có khối lượng gấp 18 tỷ lần Mặt Trời và là một trong những hố đen lớn nhất mà giới khoa học từng biết. Bạn đồng hành của nó chỉ có khối lượng gấp 150 triệu lần Mặt Trời.
Hố đen nhỏ hoàn thành một vòng quỹ đạo quanh hố đen lớn mất 12 năm. Trong thời gian này, nó sẽ có hai lần đâm vào đĩa vật chất bao quanh hố đen lớn và tạo ra đợt lóe sáng mạnh hơn một nghìn tỷ ngôi sao gộp lại. Tuy nhiên, thời điểm xảy ra lóe sáng không cách đều nhau do quỹ đạo của hố đen nhỏ không phải hình tròn. Vì vậy, các nhà khoa học rất khó dự đoán chính xác đợt lóe sáng tiếp theo.
Hố đen khổng lồ ở trung tâm thiên hà có khối lượng gấp 18 tỷ lần Mặt Trời.
Năm 2010, một nhóm nghiên cứu lập mô hình dự đoán với khung thời gian là ba tuần, nghĩa là đợt lóe sáng sẽ xảy ra trong ba tuần này. Mô hình được chứng minh là chính xác khi dự đoán đúng đợt lóe sáng vào tháng 12/2015.
Năm 2018, các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Cơ bản Tata (Ấn Độ) xây dựng mô hình có độ chính xác cao hơn với khung thời gian chỉ là 4 tiếng. Mô hình này đã dự đoán đúng đợt lóe sáng vào ngày 31/7/2019. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Astrophysical Journal Letters hôm 28/4 vừa qua.
Kính viễn vọng không gian Spitzer của NASA đã ở đúng vị trí thích hợp để quan sát thiên hà OJ 287 vào cuối tháng 7 năm ngoái. "Thật may mắn khi chúng tôi quan sát được đợt lóe sáng với Spitzer vì không thiết bị nhân tạo nào khác có thể làm như vậy vào thời điểm đó", Seppo Laine, nhà khoa học tại Viện Công nghệ California, cho biết. Spitzer đã "nghỉ hưu" vào tháng 1 năm nay, sau 16 năm hoạt động.
Nghiên cứu mới mang đến thông tin chính xác hơn về cặp hố đen và quỹ đạo của hố đen nhỏ. Nó lao qua đĩa vật chất đúng như dự đoán, cho thấy hố đen lớn có hình dạng đối xứng và bề mặt nhẵn. Tuy nhiên, quỹ đạo của hố đen nhỏ đang dần thu hẹp, khiến nó ngày càng đến gần hố đen siêu khối lượng. Kẻ khổng lồ sẽ nuốt chửng nó trong khoảng 10.000 năm tới.

Tìm hiểu về tia gamma và chớp gamma
Tia gamma (kí hiệu là γ) là một loại bức xạ điện từ hay quang tử có tần số cực cao.

Phát hiện thêm "ngôi nhà tương lai" cho loài người
Trong hành trình khám phá vũ trụ và tìm kiếm các hành tinh có khả năng sống, các nhà khoa học đã phát hiện ra một hành tinh đáng chú ý mang tên Gliese 667C c.

Trái đất sẽ bị huỷ diệt vào năm 2029 hay 2036?
Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng một tiểu hành tinh có thể va chạm vào Trái đất vào bất cứ lúc nào. Và các số liệu thống kê cho thấy rằng một thiên thể to cỡ quả bóng đá hoàn toàn có khả năng huỷ diệt sự sống trên trái đất

Hành tinh "siêu Trái Đất" có thể chứa sự sống
Một ngoại hành tinh ở cách 111 năm ánh sáng có thể là phiên bản lớn của Trái Đất với những điều kiện phù hợp cho sự sống.

Màu sắc thực sự của Mặt trời là gì?
Con người thường thấy Mặt Trời màu vàng nhưng thực chất, ngôi sao này phát ra ánh sáng mạnh nhất màu xanh.

Làm thế nào để nhìn thấy dải Ngân hà?
Dưới một bầu trời đêm quang đãng, không trăng và vắng ánh đèn thành phố, bạn sẽ thấy vẻ đẹp lộng lẫy của thiên hà.
