Cậu bé vô danh và quả tim nhân tạo vĩnh cửu đầu tiên trên thế giới
Tuần qua, một cậu bé vô danh đã vừa trải qua một ca phẫu thuật kéo dài 10 tiếng đồng hồ liên tục và được sự quan tâm chăm sóc tận tình của một tập thể các chuyên gia y bác sĩ, kết quả là hiện tại sức khoẻ của cậu bé đã có những bước tiến triễn khá tốt.
Trước đó, cậu bé thật sự đã mắc một chứng bệnh hao mòn cơ bắp được gọi là “Hội chứng Duchenne”, chính vì hội chứng bệnh này mà cậu bé đã bị đánh giá là không đủ tiêu chuẩn để có tên trong danh sách chờ được cấy ghép tim. Căn bệnh là nguyên nhân khiến cho cơ bắp của cậu bé bị thoái hoá khá nhanh chóng, các bác sĩ cũng nói rằng nếu thiếu niên mà bị mắc phải căn bệnh này thì khó có thể đi lại được như bình thường và nguy cơ tử vong sẽ rất cao trong trường hợp cần phải trải qua một ca phẫu thuật để cấy ghép một quả tim nhân tạo trong cơ thể.
Tuần trước, chuyên gia tim mạch nhi khoa, Tiến sĩ Antonio Amodeo đã tiến hành một ca phẫu thuật cùng với một nhóm gồm 8 thành viên bác sĩ chuyên gia giàu kinh nghiệm ngay tại bệnh viện nhi đồng Bambino Gesu ở Rome (Italia), chi tiết của ca phẫu thuật kỳ diệu này đã được trích đăng tải trên nhiều tờ báo quốc tế uy tín vào ngày hôm nay mồng 3 tháng 10 năm 2010. Theo đó, các chuyên gia kinh ngạc thốt lên rằng, hoàn toàn không giống với các ca phẫu thuật tim nhân tạo trước đây, ca phẫu thuật vừa trải qua không phải là một giải pháp mang tính tạm thời mà là một cú hích mang tính đột phá vì quả tim nhân tạo sẽ ở yên cố định trong cơ thể của cậu bé trong suốt cả cuộc đời.
Tiến sĩ Antonio Amodeo cho hay, quả tim nhân tạo dài khoảng 4 cm, được đặt ngay bên trong tâm thất trái và liên kết với động mạch chủ ở phía trên. Ông Amodeo phát biểu: “Thiết bị “tim nhân tạo” thực ra là một máy bơm hoạt động bằng điện, được đặt ngay tại vùng ngực nhằm giảm thiểu tối đa các nguy cơ có thể gây nên chứng nhiễm trùng. Công tác lưu chuyển dòng điện sẽ được gắn kết phía sau tai trái và đấu nối với một ắc-quy mà bệnh nhân sẽ đeo bên cạnh thắt lưng, ắc-quy này sẽ được sạc lại điện năng đã tiêu hao vào ban đêm y như cái cách mà mọi người vẫn hay sạc điện thoại di động. Đây là lần đầu tiên mà một thiết bị điện tử được đặt ngay bên trong cơ thể của một thiếu niên, nó có thể đem tới cho cậu bé một tiện ích để cải thiện chất lượng cuộc sống thậm chí mặc dù cậu bé đang mang trên người hội chứng bệnh Duchenne. Gia đình của cậu bé tỏ ra rất hạnh phúc khi con trai của họ có thể trải qua ca phẫu thuật một cách thành công tốt đẹp, đồng thời việc lắp đặt quả tim nhân tạo còn trả lại cuộc sống của cậu có nguy cơ bên bờ vực Tử thần”.
Tiến sĩ Antonio Amodeo còn cho biết thêm thông tin rằng thiết bị “quả tim nhân tạo” chỉ nặng không đầy 90 g nếu so với quả tim của người trưởng thành có thể nặng tới 1 kg, ông cũng hy vọng rằng sức khoẻ của cậu bé có thể tái hồi bình phục sau 2 tuần kế tiếp. Tiến sĩ Amodeo lạc quan cho biết: “Ca phẫu thuật này đã mở ra những chân trời mới khi nhiều trẻ em cần các ca phẫu thuật cấy ghép nhưng số lượng các vật hiến tặng chiếm tỷ lệ rất nhỏ bé và kể cả một số bệnh nhân không thể được cấy ghép chỉ bởi vì căn bệnh mà họ đang mang trên người. Đây là một ca phẫu thuật mang tính đột phá vì từ trước tới nay nó chỉ được áp dụng điều trị trên cơ thể các bệnh nhân trưởng thành, thiết bị trên đã làm giảm thiểu tối đa những hệ lụy mặt trái của sức khoẻ gây nên từ những triệu chứng nhiễm trùng”.