Cầu vồng nằm ngang trên mặt hồ
Dải cầu vồng rực rỡ bao phủ hồ nước là hiện tượng quang học hình thành do tinh thể băng khúc xạ ánh sáng Mặt Trời.
Dải cầu vồng nhìn từ xa. (Ảnh: Cessna Kutz).
Nhiếp ảnh gia nghiệp dư Cessna Kutz chia sẻ ảnh chụp cầu vồng nằm ngang trải dài qua bề mặt hồ Sammamish ở bang Washington, Mỹ, trên Facebook hôm 24/3. Kutz chụp bức ảnh góc rộng đầu tiên từ cửa sổ nhà riêng vào khoảng 2 giờ chiều theo giờ địa phương trong khi bức thứ hai là ảnh cận cảnh.
Theo Courtney Obergfell, chuyên gia khí tượng ở Cơ quan Thời tiết Quốc gia tại Seattle, Mỹ, đây có thể là kết quả từ hiện tượng cầu vồng lửa. "Hiện tượng quang học này là hào quang băng hình thành bởi sự khúc xạ ánh sáng Mặt Trời của các tinh thể băng trong khí quyển. Ở dạng đầy đủ, nó có thể xuất hiện dưới dạng dải màu cầu vồng nằm ngang bên dưới Mặt Trời", Obergfell giải thích.
Cầu vồng sáng rực trên mặt hồ. (Ảnh: Cessna Kutz).
Theo Khoa Địa lý thuộc Đại học Santa Barbara, cầu vồng lửa chỉ xuất hiện khi Mặt Trời ở cao hơn 58 độ so với đường chân trời. Dải màu rực rỡ nằm song song với đường chân trời hình thành khi ánh sáng Mặt Trời chiến qua những đám mây ti trên cao hoặc sương mù chứa tinh thể băng dạng dẹt. Khi nằm thẳng hàng với nhau, tinh thể băng đóng vai trò như thấu kính khúc xạ ánh sáng và cường độ khúc xạ đạt tối đa khi Mặt Trời ở góc 68 độ.
Mức độ phổ biến của cầu vồng lửa phụ thuộc vào vị trí địa lý. Ở Mỹ, cầu vồng lửa thường xuất hiện vài lần trong năm nhưng hiếm gặp hơn ở những khu vực như bắc châu Âu. Hiện tượng này không thể bắt gặp ở những nước nằm trên 55 độ vĩ bắc hoặc 55 độ vĩ nam bởi Mặt Trời luôn mọc thấp hơn 58 độ, theo Tổ chức Khí tượng Thế giới.