Cha đẻ của bom nguyên tử thời Xô - Viết
Igor Vasilevich Kurchatov - nhà bác học Nga vĩ đại, người khai sinh đề án nguyên tử thời Liên Xô trước đây. Ông được coi là người khai sáng nền nguyên tử Xô-Viết.
Các nhà sử học gọi ông là "cha đẻ" của bom nguyên tử Xô-Viết. Còn đồng nghiệp và các học trò gọi ông bằng cái tên trìu mến - "Ông Râu”.
Vào dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Kurchatov, các chuyên viên, các nhà khoa học, cả những người quen biết riêng với ông đã hội tụ, gặp gỡ ở đài "Tiếng nói nước Nga" và kể về nhân vật kỳ tài này.
Sau khi kết thúc Thế chiến II, nhân loại mấp mé trên bờ vực thảm họa mới: nắm được trong tay quả bom hạt nhân, những đồng minh hôm qua cùng Liên Xô đấu tranh chống phát-xít Đức, hôm nay rắp tâm chuẩn bị kế hoạch thực hiện cuộc tấn công hạt nhân vào đất nước Xô-Viết. Matxcơva chỉ có một lối thoát duy nhất: bằng bất kỳ giá nào cũng phải tạo ra loại vũ khí tương tự, - TSKH Lịch sử Aleksandr Sagomonyan thuật lại.
Igor Vasilevich Kurchatov - nhà bác học Nga (Photo: iobninsk.ru)
“Stalin và ban lãnh đạo Liên Xô hiểu rõ rằng, hiện hữu mối nguy hiểm khủng khiếp đe dọa sự tồn vong của đất nước và để tránh nó, chúng ta cần trong thời hạn ngắn nhất chế tạo bom nguyên tử. Điều này trở thành một hướng cơ bản trong chính sách đối nội của Liên Xô. Chính ở đây, lựa chọn của Stalin đã nhắm tới Kurchatov như là người lãnh đạo khoa học của đề án nguyên tử”.
Tuy nhiên, công việc khổng lồ này đã được hoàn thành. Và một trong những yếu tố dẫn đến thắng lợi là nhờ vào tài năng tổ chức và trình độ khoa học của cá nhân Igor Vasilevich Kurchatov, - Viện sĩ Evgeni Velikhov Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia "Viện Kurchatov" khẳng định.
“Như cách chúng ta thường nói, ông là một nhà vật lý chân chính đích thực. Bắt đầu từ năm 1943, khi Kurchatov trở thành người lãnh đạo đề án hạt nhân của Liên Xô, ông đã bộc lộ tài năng tổ chức kỳ diệu, thu hút được các nhóm khoa học cốt yếu nhất, tạo lập trường phái của mình. Kurchatov đã đặt cơ sở cho nền quốc phòng Nga để ngày nay là chỗ dựa vững chắc của đất nước, với những tàu ngầm hạt nhân, tàu nổi nguyên tử và tàu phá băng nguyên tử. Tất cả cùng nhau lao động trí óc, gây dựng sự nghiệp to lớn và quan trọng chưa từng thấy”.
Đồng thời trong công việc này, Kurchatov đã làm mọi thứ theo lối rất nhân văn, ông tiếp xúc với hầu như toàn thể những ai tham gia, mà đó là ông giao tiếp với những cá nhân làm khoa học-kỹ thuật chứ không cần để ý tới cấp bậc và chức vụ.
Khi cần thiết ông có thể nói chuyện cả với Bộ trưởng Nội vụ Beria, cả với cậu trợ lý phòng thí nghiệm trẻ măng một cách thoải mái như nhau. Trên bình diện quan hệ này, giữa thời buổi khó khăn, ở mức nào đó ông đã tạo ra quanh mình bầu không khí thân ái và lành mạnh ở công việc phức tạp mà ông dẫn dắt, tạo điều kiện để ngày nay Nga là một trong những cường quốc khoa học lớn nhất của thế giới.
Sử gia Sergey Smirnov bổ sung thêm về một nét trong giá trị nhân cách của con người Igor Kurchatov: “Kurchatov không hẳn là thiên tài chói lọi, thế nhưng ông đã biết khơi mở phát hiện và quản lý các thiên tài. Đó mới là công việc hết sức khó khăn. Ông bảo tồn tài năng trong tình bằng hữu cho đến ngày cuối cùng của đời mình. Trong số các thuộc cấp của ông, có số lượng cao đến mức bất thường những người thực lòng xem ông như một người bạn của riêng họ”.
Biệt danh nổi tiếng của Kurchatov - "Ông Râu” - phát sinh từ một trong những quyết định khác người của nhà vật lý vĩ đại, - chuyên viên phân tích quân sự Ilya Kramnik góp ý kiến.
Tồn tại một huyền thoại rằng Kurchatov bắt đầu để râu từ thời chiến tranh. Cho đến khi chiến thắng chủ nghĩa phát-xít, ông tuyên bố như vậy. Sau khi chiến tranh đã kết thúc, ông vẫn tiếp tục để râu, bởi đã đặt ra mốc mới "cho đến khi thực hiện thành công đề án hạt nhân".
Igor Kurchatov từ giã cõi đời rất sớm - ở độ tuổi 57. Nhưng ký ức về ông thì bất tử. Tên ông được đặt cho thành phố, cho những đại lộ và đường phố, cho các viện nghiên cứu và trường phổ thông, thậm chí có cả chủ thể vũ trụ cũng mang tên nhà vật lý Nga vĩ đại – đó là tiểu hành tinh Kurchatov.

Những thiên tài tự học "đỉnh" nhất mọi thời đại
Họ đều có điểm chung là không có điều kiện để được học hành đầy đủ nhưng bằng chính sự đam mê, ham học hỏi đã giúp họ thành công và nổi danh.

Cuộc sống lập dị của 11 thiên tài thế giới
Các thiên tài thường có tính cách rất quái dị. Một vài người trong số họ có những thói quen lập dị như sơn móng tay màu hồng, sống phiêu bạt, không ăn đậu,... để tìm kiếm tri thức và theo đuổi những ý tưởng vĩ đại.

Êđixơn - cậu học sinh dốt nát và tâm thần!?
"Vì sao gà mái có thể ấp ra gà con được? Ta có thể ấp ra gà con được không?"... Ồ kìa! Êđixơn đang nằm sấp trên đống rơm ấp gà con. Mọi người biết chuyện đều cười rũ rượi, và coi cậu là một đứa trẻ ngốc nghếch!

Leonardo da Vinci: Nhà khoa học giải phẫu
Leonardo da Vinci nổi danh với những bức họa độc đáo và vô giá trên thế giới. Tuy nhiên, ông còn được biết đến qua những bức vẽ giải phẫu học tỉ mỉ, hiếm hoi và vô cùng chính xác ở thời kỳ đó.

Thời thơ ấu của những thiên tài vĩ đại
Tác giả của những phát minh vĩ đại, những đóng góp to lớn cho lịch sử nhân loại. Newton, Einstein, Napoleon được cả thế giới biết đến như những người hùng thực sự. Tuy nhiên đằng sau sự tài năng đó, họ ẩn chứa những tuổi thơ bình dị hay khác thường mà chúng ta rất đáng tìm hiểu.

Sai lầm của một số vĩ nhân
Sự thay đổi nhanh chóng trong cuộc sống và sự nghiệp của Newton đương nhiên trở thành chủ đề đàm tiếu của người đương thời. Nhân vật anh hề trong một vở kịch đương thời đã nói: Ai chẳng biết đại danh của ngài Isaac! Thợ đúc tiền! Vĩ đại thật!...
