Chẩn bệnh qua tay
Da khô và móng tay bị xước không phải là lý do duy nhất để chúng ta quan tâm đến đôi bàn tay, vì theo nghiên cứu được đăng trên Tạp chí của Hội Y khoa hoàng gia (Anh) mới đây, bàn tay có thể chứa đựng những thông tin quan trọng về sức khỏe, bao gồm những căn bệnh tiềm ẩn như ung thư.
Đơn cử trường hợp một phụ nữ 74 tuổi tương đối khỏe mạnh đã tìm đến bác sĩ sau khi phát hiện lòng bàn tay mình nổi lên những cục u. Chúng từ từ lan rộng và nối liền nhau, gây ra cảm giác cứng đơ ở lòng bàn tay, khiến bà khó cử động và đau đớn. Sau khi tham khảo tài liệu y học, bác sĩ chẩn đoán bà bị ung thư buồng trứng, đồng thời phát hiện những cục u đó là dấu hiệu cảnh báo hiếm gặp. Nguyên nhân tại sao bệnh lại tác động lên bàn tay vẫn chưa rõ, nhưng bác sĩ cho rằng các tế bào ung thư tiết ra hóa chất gây xơ hóa mô trong lòng bàn tay. Chính vì vậy Tiến sĩ Graham Easton, một bác sĩ nổi tiếng ở Luân Đôn và là tác giả nghiên cứu trên, khuyên chúng ta nên đi kiểm tra sức khỏe khi:
Lòng bàn tay đỏ ửng: Có thể dấu hiệu của bệnh xơ gan
Triệu chứng này còn được gọi là nổi ban đỏ ở lòng bàn tay, thường tác động đến mép ngoài bàn tay, gần ngón út. Nó xuất hiện khi các mạch máu dưới da bị giãn ra do mất cân bằng hoóc-môn mà bệnh gan gây ra.
Các khớp ngón tay có nhiều mỡ: Có thể dấu hiệu của chứng mỡ trong máu (cholesterol cao)
Cholesterol đóng trên khớp ngón tay là một trong những biểu hiện của chứng mỡ trong máu do di truyền. Ở đó, những cục u cứng màu vàng nhạt nhô ra khi bạn nắm chặt tay lại. Người mắc bệnh này có hàm lượng cholesterol trong máu rất cao từ lúc chào đời nhưng không có triệu chứng rõ ràng, do đó không được chữa trị và có thể chết vì bệnh tim khi còn trẻ.
Móng tay lõm xuống: Có thể dấu hiệu của bệnh thiếu máu
Đa số chúng ta có móng tay cong và lồi lên, nhưng nếu móng bị lõm ở giữa, đó có thể là dấu hiệu bị thiếu sắt, dẫn đến thiếu máu. Thiếu sắt được cho là nguyên nhân làm móng yếu và mỏng hơn, cuối cùng là bị sụp một phần. Các bác sĩ gọi tình trạng này là chứng móng lòng thuyền (hay móng hình muỗng).
Đầu ngón tay bị phồng: Có thể dấu hiệu của ung thư phổi
Nếu đầu ngón tay của bạn phình to giống dùi cui, có thể bạn đang mắc một trong những bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, lao hoặc u trung biểu mô (màng phổi bị tế bào ung thư tấn công). Nguyên nhân do khối u trong phổi sản sinh chất gây viêm phổi PGE2 quá mức, vượt gấp 10 lần nhu cầu cơ thể và nó tích tụ trên đầu ngón tay, gây sưng phồng.
Móng tay màu xanh (chứng xanh tím): Có thể dấu hiệu suy tim
Một trong những cách dễ nhất để các bác sĩ kiểm tra lượng ôxy lưu thông trong máu là kiểm tra móng tay, ngón chân hoặc môi. Màu hồng nghĩa là ôxy lưu thông tốt nhưng màu xanh lại cho thấy cơ thể đang thiếu ôxy vì máu không lưu thông đầy đủ đến khắp các cơ quan. Móng tay xanh có thể là dấu hiệu cảnh báo chứng suy tim. Thực ra, máu nghèo ôxy không hẳn màu xanh mà chỉ không sáng bằng máu đỏ giàu ôxy khi nhìn qua móng tay.
Phụ nữ sắp lên bàn mổ thường được yêu cầu tẩy sơn trên móng tay để các bác sĩ dễ dàng theo dõi tình trạng ôxy trong cơ thể trong khi phẫu thuật.
Móng tay có chấm li ti: Có thể dấu hiệu bệnh viêm khớp mãn tính
Nếu bạn thấy trên móng tay có những chấm nhỏ giống như sáp nến đang chảy xuống, đó có thể là dấu hiệu của bệnh viêm khớp mãn tính dù lúc đó các khớp không bị sưng hoặc đau đớn gì. Càng có nhiều ngón tay hoặc ngón chân bị chấm trắng, bệnh càng nặng. Nguyên nhân là do chứng viêm khớp dẫn đến viêm các mạch máu ở vùng dưới móng tay.
Ngón tay nổi u cứng: Có thể dấu hiệu viêm khớp xương mãn tính ở hông hoặc đầu gối
Đó là những cục u cỡ hạt đậu gây đau đớn khi bạn chạm vào các khớp trên ngón tay. Những khối u này được gọi là bướu cứng của Heberden, tên của bác sĩ người Anh đã phát hiện ra nó hồi thế kỷ 18.
Móng tay có hai màu: Có thể dấu hiệu bệnh thận
Móng tay có màu trắng nhạt ở đoạn gần da nhưng phần trên lại có màu hơi nâu là dấu hiệu của suy thận. Tình trạng này thường phát triển trước khi thận của bệnh nhân bắt đầu hư hỏng và là dấu hiệu quan trọng giúp các bác sĩ chẩn bệnh. Nó xuất hiện do sự hình thành urê –chất thải do thận tiết ra, nhưng lại kết tinh dưới da và móng.
Đổ mồ hôi ở lòng bàn tay: Có thể dấu hiệu tuyến giáp hoạt động quá mức
Chứng tăng sinh hoóc-môn tuyến giáp là chứng bệnh phổ biến nhưng chưa rõ nguyên nhân và thường xuất hiện nhiều ở nữ. Tuyến giáp là tuyến nội tiết sản sinh hoóc-môn kiểm soát quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Biểu hiện chính của bệnh là lòng bàn tay nóng và đổ mồ hôi do cơ thể tiêu hao nhiều calorie.
Bàn tay đột nhiên quá khổ: Có thể dấu hiệu khối u tuyến yên
Nếu bàn tay bị sưng phồng và to lên, có thể bạn đang phát triển bệnh to cực (bệnh to các đầu xương). Chân, môi, mũi và tai cũng có thể bị ảnh hưởng khi tuyến yên trong não tiết ra quá nhiều hoóc-môn tăng trưởng, thường là do sự hình thành một khối u lành tính gây rối loạn sản sinh hoóc-môn. Bệnh này thường xuất hiện ở tuổi trung niên và cần được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật để loại bỏ khối u, nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng.