Chiết xuất thuốc từ cây ngải tây để chữa sốt rét
THX đưa tin Hiệp hội nghiên cứu Max Planck hôm 17/1 cho biết các nhà nghiên cứu ở Đức đã tìm ra phương pháp hiệu quả và kinh tế để tổng hợp thuốc chống sốt rét khối lượng lớn từ các nguyên liệu thừa.
Hiện gần 1 triệu người trên thế giới tử vong hàng năm bởi sốt rét do thiếu thuốc điều trị hữu hiệu, vì loại cây ngải tây (sweet wormwood) dùng để chiết xuất artemisinin, loại hóa chất đặc trị sốt rét, chỉ có ở Việt Nam, Trung Quốc và một số nước khác.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu ở Đức nay đã phát triển một quy trình tổng hợp artemisinin đơn giản trong phòng thí nghiệm, nhờ sử dụng acid artemisinin, một chất có trong phụ phẩm, hay nguyên liệu thừa trong quá trình tách artemisinin khỏi cây ngải tây, làm nguyên liệu để tổng hợp artemisinin.
Ông Peter Seeberger, Giám đốc tại Max Planck khẳng định nhờ quy trình mới này, việc sản xuất thuốc chống sốt rét sẽ không còn phụ thuộc vào việc chiết xuất thành phần hoạt tính từ cây.
Acid artemisinin trong nguyên liệu thừa có khối lượng lớn gấp 10 lần so với thành phần hoạt tính của nó và chúng có thể được chuyển hóa thành artemisinin trong vòng 4,5 phút trong cái được gọi là lò phản ứng dòng chảy liên tục (continuous-flow reactor).
Ông Seeberger ước tính 800 lò phản ứng như vậy sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu trên thế giới đối với artemisinin và toàn bộ quy trình tổng hợp này có thể sẵn sàng cho việc sử dụng về mặt kỹ thuật trong vòng 3-6 tháng nữa.