Chim cũng thích 'môn đăng hộ đối'
Những con cái ở đẳng cấp thấp cũng sẽ thích những con đực ở đẳng cấp thấp, ít nhất là trong thế giới loài chim.
Đây là nghiên cứu của Marie-Jeanne Holveck thuộc Trung tâm chức năng và tiến hóa ở Montpellier, Pháp đăng trên tạp chí Royal Society. Nghiên cứu thí nghiệm trên loại chim manh manh (một loài sẻ).
Đôi chim manh manh. Ẩnh: Max Planck Institute for Ornithology |
Theo Marie-Jeanne, những con chim đẳng cấp thấp và cao thì khác nhau ở mọi đặc tính quan trọng, bao gồm khả năng trao đổi chất, tuổi thọ và sự hấp dẫn.
Đầu tiên, các nhà nghiên cứu cho ra đời chim manh manh cấp thấp và cấp cao đơn giản chỉ bằng cách thay đổi kích cỡ ổ của chúng. Marie-Jeanne giải thích rằng ở những cái tổ lớn hơn sẽ có sự cạnh tranh nhiều hơn giữa các chim non do đó sẽ cho ra đời những con chim non có những phẩm chất kém hơn.
Sau đó, nhóm của Holveck bắt đầu thí nghiệm sự ưa thích của những con cái cấp thấp đối với con đực. Những con chim cái được đặt trong những cái lồng có thể quan sát được, chúng được huấn luyện để mổ vào hai cái nút và mỗi lần chúng mổ vào một cái thì lại có tiếng hót của một con đực. Một cái nút là tiếng hót của con đực cao cấp, cái còn lại là của con đực kém cơ.
Giáo sư Holveck nói: “Đây là một bài thử hiệu quả, nó cho chúng ta biết con cái thích nghe cái gì”. Con cái cấp thấp liên tục mổ vào cái nút có tiếng hót của con đực cấp thấp và ngược lại. Đối với chim manh manh, chỉ con đực mới có thể hót và đây là một tín hiệu gợi tình quan trọng đối với con cái.
Ở phần hai của thí nghiệm, giáo sư Holveck nhận ra rằng sự ưa thích tiếng hót dẫn đến sự hấp dẫn nhau thực sự ở bên ngoài.
“Những cặp đôi cùng đẳng cấp thường sinh sản nhanh hơn, cho trứng nhanh hơn những cặp đôi khác đẳng cấp. Lý do chính mà chúng tôi có thể đưa ra là chúng dễ dàng chấp nhận nhau hơn do đó tiến đến nhanh hơn. Điều gây ngạc nhiên nhất là những con cái dường như xác định được đẳng cấp mình thuộc về. Chúng tôi sẽ nghiên cứu để lý giải vì sao chúng làm được điều đó”.
Theo Joseph Tobias, một nhà động vật học của trường đại học Oxford thì phát hiện này rất thú vị. “Mặc dù nó không làm đảo ngược những suy nghĩ trước giờ về tiến hóa, nó lại tiết lộ một số điều thú vị của giới tự nhiên khi cân nhắc lựa chọn bạn đời”.
“Điều này cho thấy, môi trường mà một cá thể sống trong đó sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến xu hướng bị hấp dẫn về giới của cá thể đó khi trưởng thành”.