Chó đánh hơi phát hiện 6 ngôi mộ 3.000 năm tuổi
Chó giúp nhà khoa học tìm ra nhiều ngôi mộ chứa hài cốt người và một số cổ vật trên dãy núi Velebit, gần bờ biển Adriatic.
"Rõ ràng mũi chó không ngửi sai", Vedrana Glavaš, nhà khảo cổ tại Đại học Zadar, tác giả chính của nghiên cứu, nhận xét. Glavaš từng tìm được vài ngôi mộ trong khu nghĩa địa tồn tại từ thế kỷ 8 trước Công nguyên tại Velebit. Với hy vọng phát hiện thêm những ngôi mộ khác, bà liên hệ với Andrea Pintar, chuyên gia huấn luyện chó để đánh hơi điều tra, Guardian hôm 24/10 đưa tin.
Chó đánh hơi chính xác vị trí của những ngôi mộ cổ. (Ảnh: Guardian).
Vài con chó malinois Bỉ và chó chăn cừu Đức được đưa đến địa điểm khảo cổ. Ban đầu, để kiểm tra, Glavaš dẫn chúng tới nơi có những ngôi mộ mà nhóm nghiên cứu đã tìm thấy từ trước nhưng không cho người huấn luyện biết. "Chúng tôi luôn sử dụng ít nhất hai con chó để xác nhận vị trí", Glavaš nói. Người huấn luyện và con chó thứ hai cũng không được thông báo về vị trí mộ mà nhóm thứ nhất tìm ra.
Kết quả là đàn chó phát hiện đúng cả ba ngôi mộ dù hài cốt người, các cổ vật và đất xung quanh đều đã được chuyển đi. Thậm chí các ngôi mộ còn bị phơi nắng, gió và mưa sau khi khai quật. Glavaš cho rằng có thể những tảng đá xốp xung quanh đã ngấm mùi nên đàn chó vẫn ngửi thấy.
Tiếp theo, Glavaš thả chúng ở nơi nghi ngờ còn nhiều ngôi mộ khác và phát hiện thêm 6 ngôi mộ mới. Lần nào chúng cũng định vị rất chính xác. Những mộ cổ này gồm quan tài đá nhỏ nằm giữa vòng tròn tường đá với đường kính khoảng 5m. Mỗi quan tài chứa đồ tạo tác cùng những mảnh xương nhỏ như ngón tay và bàn chân của vài người, khả năng cao thuộc về những thế hệ khác nhau trong một gia đình.
Theo Glavaš, những người này có thể khá nghèo do khí hậu nơi đây khắc nghiệt, nhiều gió và khó trồng trọt. Đến nay, bà cùng nhóm nghiên cứu vẫn chưa thể khai quật một số ngôi mộ tại Velebit do thiếu thời gian và kinh phí.
Dùng chó để đánh hơi mộ là phương pháp đầy hứa hẹn vì không gây hại cho địa điểm khảo cổ và có thể áp dụng trong những tình huống mà radar xuyên đất hoặc các kỹ thuật khác không hiệu quả, theo Angela Perri, nhà khảo cổ tại Đại học Durham. Từ lâu, con người đã tận dụng khả năng của chó như một dạng công nghệ sinh học. "Chúng ta vẫn đang tìm ra những cách mới để nhờ chúng giúp đỡ", cô nói.