Chụp cắt lớp làm tăng nguy cơ ung thư ở trẻ em
Ngày 27/4, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cảnh báo việc trẻ em phải chịu lượng phóng xạ quá mức khi chụp cắt lớp (CT) có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư.
Tiến sỹ Madan Rehani, chuyên gia về an toàn phóng xạ của IAEA, cho biết trẻ em vốn nhạy cảm với chất phóng xạ, vì thế việc sử dụng các thông số của người lớn khi thực hiện việc chụp CT cho trẻ em có nghĩa là lượng phóng xạ tăng lên, tỷ lệ thuận với nguy cơ mắc ung thư.
Ông cũng cho biết trong số các trung tâm chụp CT mà IAEA khảo sát, có 11 trung tâm ở sáu nước sử dụng liều phóng xạ của người lớn khi chụp cho trẻ em.
Nguyên nhân của tình trạng này là do sự thiếu hiểu biết của các kỹ thuật viên, chụp quá nhiều bộ phận của cơ thể, các thiết bị lạc hậu và thiếu bộ phận tự động điều chỉnh mức độ phóng xạ.
IAEA cũng cho biết bên cạnh ưu điểm cung cấp hình ảnh ba chiều các bộ phận và mạch máu nên hỗ trợ rất tích cực cho việc chuẩn đoán bệnh, chụp CT cũng làm cho người bệnh phải chịu lượng phóng xạ lớn hơn nhiều so với chụp X-quang.
Từ lâu các chuyên gia đã cảnh báo vấn đề này, nhưng trẻ em vẫn phải chịu một lượng phóng xạ như đối với người lớn trong quá trình chụp CT, đặc biệt phổ biến tại các nước châu Phi, châu Á và Đông Âu./.