Đá Mặt trăng chôn giấu “báu vật thời gian" của Trái đất?
Thứ mà các phi hành gia mang về Trái đất năm từ 1972 có thể ẩn chứa "hóa thạch" của thế giới 4,36 tỉ năm trước.
Theo Live Science, một nghiên cứu mới dẫn đầu bởi GS John Tarduno, nhà khoa học Trái đất từ Đại học Rochester (Mỹ) chỉ ra rằng, đá Mặt trăng có thể là một báu vật vô giá giúp chúng ta "đi ngược thời gian" để tìm hiểu về địa cầu sơ khai.
Cụ thể hơn, bằng chứng lâu đời nhất về bầu khí quyển cổ xưa của Trái đất có thể ẩn náu trong những tảng đá trên vệ tinh của chính nó.
Toàn cảnh hố Plum, với Chỉ huy phi hành đoàn Apollo 16 năm 1972 John Young đứng bên trái. Mẫu vật "Big Muley" họ đem về được lấy ngay bên phải chỗ ông Young đứng - (Ảnh: NASA)
Nhóm của GS Tarduno đã phân tích lại đá Mặt trăng mà các phi hành gia trong sứ mệnh Apollo 16 của NASA mang về Trái đất năm 1972.
Vào thời điểm các mẫu vật vừa được mang về, các nhà khoa học đã phát hiện ra dấu vết từ tính bị khóa trong đá, tức là tảng đá đó phải thuộc về một thiên thể có từ trường.
Điều này vô cùng khó hiểu bởi lõi Mặt trăng quá nhỏ để có thể sở hữu từ trường của riêng nó. Vì vậy, các nhà khoa học từng nghi ngờ có thể Mặt trăng từng có từ trường theo cách nào đó.
Sau 50 năm, nghiên cứu mới khẳng định Mặt trăng chỉ được bảo vệ bởi từ trường trong 140 triệu năm đầu tiên kể từ khi hình thành, tức nó không hề có từ trường trong 4,36 tỉ năm qua.
Thay vào đó, dữ liệu cổ từ mà các nhà khoa học nắm bắt được hơn nửa thế kỷ trước là dấu vết về từ trường cổ xưa của Trái đất!
Khi không còn từ trường bảo vệ, Mặt trăng có thể thu giữ các ion từ bầu khí quyển Trái đất. Các ion này đã để lại các dấu vết từ tính và có thể là các dấu vết hóa học từ bầu khí quyển cổ xưa của địa cầu.
Đối chiếu các mốc thời gian thì rõ ràng việc, đá Mặt trăng bị ảnh hưởng bởi từ trường Trái đất xảy ra khoảng 4,36 tỉ năm trước. Các ion nó thu được chính là những gì có thể đại diện cho thành phần của bầu khí quyển vào thời điểm đó.
Theo GS Tarduno, một trong những bí ẩn về Trái đất và quá trình tiến hóa của nó là thành phần bầu khí quyển đầu tiên của hành tinh.
Mặt trời, một ngôi sao trẻ khi đó còn trẻ, vốn ít sáng hơn. Vì vậy để không tồn tại dưới dạng một quả cầu băng trơ trụi, Trái đất phải có khả năng tự làm nóng chính nó.
Thứ có thể làm nên điều này là các khí nhà kính cần thiết trong bầu khí quyển. Chính điều đó đã giúp "cải tạo" hành tinh, dọn đường cho sự sống phát triển.
Thế nhưng, chúng ta không thể tìm thấy dấu vết về bầu khí quyển đầu tiên này tại chính địa cầu.
Rất ít loại đá có tuổi đời hơn 3,5 tỉ năm còn sót lại trên Trái đất. Những thứ hiếm hoi còn sót lại cũng đã bị biến đổi mạnh mẽ bởi hoạt động kiến tạo mảng liên tục.
Ngược lại, Mặt trăng yên tĩnh về mặt địa chất, Tarduno cho biết và có lớp regolith (đất Mặt trăng) có thể đã không bị xáo trộn trong hàng tỉ năm, trở thành nơi tuyệt vời để tìm hiểu những gì nó vô tình lưu giữ về địa cầu sơ khai.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Communications Earth & Environment.