Đảo mới xuất hiện trên biển Nhật Bản sau phun trào núi lửa
Hòn đảo rộng một kilomet là kết quả của vụ phun trào núi lửa ngầm dưới biển và có thể tiếp tục phát triển trong tương lai.
Quần đảo Nhật Bản với hơn 6.800 hòn đảo nhỏ tạo thành đất nước Nhật Bản, gần đây nhất bao gồm thêm dải đất hình chữ C với đường kính xấp xỉ một kilomet, theo lực lượng tuần duyên nước này. Lực lượng tuần duyên phát hiện hòn đảo mới hôm 15/8 sau khi núi lửa Fukutoku-Okanoba cách đảo Iwo Jima thuộc quần đảo Ogasawara trên biển Thái Bình Dương 50 km về phía nam bắt đầu phun trào ngày 13/8.
Hòn đảo mới có hình chữ C. (Ảnh: Lực lượng tuần duyên Nhật Bản)
Theo lực lượng tuần duyên, khu vực đang trải qua hoạt động núi lửa dữ dội với cột khói và khí gas cao hơn 15 km bốc lên từ đại dương. Nhà chức trách phát hiện trầm tích đá núi lửa lớn nổi trên biển trong lúc theo dõi vụ phun trào từ trên cao. Do vụ phun trào có khả năng kéo dài, Cơ quan Khí tượng phát cảnh báo về khói và tro ở các vùng biển lân cận. Hòn đảo mới mang tên Niijima thực chất là đỉnh của núi lửa dưới nước khổng lồ.
Khi núi lửa dưới nước phun trào, dung nham tạo ra vật liệu vỏ mới và hình thành quần đảo núi lửa khi trào lên phía trên mực nước biển. Đây không phải là hiện tượng hiếm gặp, đặc biệt ở quanh Nhật Bản. Những quần đảo mới hình thành theo cách này ở Nhật Bản năm 1904, 1914 và 1986, tất cả giờ đây đều chìm dưới nước do xói mòn.
Ví dụ, vụ phun trào năm 2013 tạo ra hòn đảo mới hợp nhất với đảo Nishinoshima gần đó tạo ra dải đất giống nhân vật hoạt hình chó Snoopy. Hòn đảo mới nhất có thể chỉ tồn tại tạm thời hoặc trở thành vĩnh viễn nếu núi lửa tiếp tục phun trào tạo nên lớp vỏ vững chắc. Trong trường hợp đó, hòn đảo sẽ được bổ sung vào lãnh thổ Nhật Bản do núi lửa dưới nước nằm gần đảo Nam Iwo Jima.
Đảo Surtsey ở Iceland là một ví dụ khác của đảo núi lửa hình thành gần đây. Năm 1963, đảo núi lửa này vươn tới mực nước biển và tiếp tục phát triển thông qua các vụ phun trào cho tới năm 1967. Surtsey trở thành khu bảo tồn tự nhiên năm 1965 và chỉ giới khoa học được phép ghé thăm hòn đảo để hệ sinh thái tự nhiên tiếp tục tồn tại mà không vấp phải sự can thiệp từ thế giới bên ngoài. Những quần đảo núi lửa mới hình thành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Một số nhà khoa học cho rằng chúng là "cái nôi của sự sống" khi Trái Đất bị bao phủ hoàn toàn bởi nước.