Dấu hiệu phát hiện bệnh tự kỷ ở trẻ từ 6 tháng tuổi
Ngay từ năm đầu đời, trẻ mắc chứng tự kỷ đã có những dấu hiệu phản ứng não khác trẻ bình thường, các nhà khoa học cho biết.
Nhóm chuyên gia trong đó có Tiến sĩ Kristelle Hudry đến từ Đại học Latrobe tại Melbourne đã tiến hành nghiên cứu trên 104 trẻ sơ sinh từ 6-10 tháng tuổi và kiểm tra lại sau đó 3 năm. Họ phát hiện ra rằng những em bé mang mầm bệnh tự kỷ có mô hình hoạt động não bất thường trong phản ứng cũng như giao tiếp bằng mắt với người khác.
Những phát hiện này giúp dự đoán nguy cơ của bệnh tự kỷ trong tương lai ở trẻ 6 tháng tuổi.
Tự kỷ là căn bệnh ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số thế giới. Trẻ mắc tự kỷ chậm phát triển về trí tuệ, không có khả năng giao tiếp hiệu quả và khó hòa nhập với xã hội. Vì vậy, các bác sĩ luôn mong muốn tìm ra phương pháp chẩn đoán tình trạng này càng sớm càng tốt để có thể can thiệp giúp trẻ tự kỷ phát triển kỹ năng đối phó.
Thường thì các dấu hiệu của bệnh tự kỷ không xuất hiện trước 2 năm đầu đời và do đó, trước đây, việc chẩn đoán chỉ được thực hiện đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng thiết bị cảm biến thụ động đặt trên vùng da đầu, giúp ghi lại phản ứng trong não của những đứa trẻ này sau khi có người đang chằm chằm nhìn chúng mà bỗng quay đi chỗ khác.
Kết quả cho thấy, ở nhóm bé sau này phát triển bình thường, có một sự khác biệt rõ ràng trong hoạt động của não tại 2 thời điểm khi người đó nhìn chúng và khi người đó quay đi. Ngược lại, với các em bé mà sau này bị tự kỷ, sự khác biệt này ít hơn rất nhiều.
Các chuyên gia cho hay, đây là một bước tiến trong việc chẩn đoán sớm căn bệnh tự kỷ. Tuy vậy, họ vẫn phải tiếp tục tiến hành những nghiên cứu thêm để có thể đánh giá một cách chắc chắn.