Đây là loài cây ở biển sống lâu nhất thế giới
Các nhà khoa học phát hiện một gốc cây nhân bản của loài cỏ lươn (Zostera marina) ở biển Baltic có tuổi thọ lên tới 1.400 năm.
Nhóm nghiên cứu quốc tế đến từ Kiel, London, Oldenburg, và Davis, California, sử dụng thành công một loại đồng hồ di truyền đột phá để tính độ tuổi của một cây nhân bản ở biển. Lần đầu tiên, họ xác định một cây cỏ biển nhân bản từ biển Baltic có niên đại cách đây 1.400 năm. Loại đồng hồ mới có tiềm năng sử dụng với nhiều loài, bao gồm san hô, tảo và nhiều loại cây trên cạn. Các nhà nghiên cứu công bố phát hiện trên tạp chí Nature Ecology and Evolution, IFL Science hôm 14/6 đưa tin.
Cây cỏ lươn ở biển Baltic. (Ảnh: Pekka Tuuri).
"Sinh sản sinh dưỡng (còn gọi là nhân bản vô tính) là phương thức sinh sản thay thế phổ biến ở động vật, nấm và vương quốc thực vật", tiến sĩ Thorsten Reusch, giáo sư sinh thái học hải dương ở Trung tâm nghiên cứu đại dương GEOMAR Helmholtz tại Kiel, cho biết. Những loài cây nhân bản tạo ra cây non có hệ gene tương tự thông qua đẻ nhánh hoặc đâm chồi, thường bao phủ diện tích bằng một sân bóng đá hoặc hơn. Tuy nhiên, các cây non không giống hệt nhau về mặt di truyền.
Nghiên cứu trước đây của nhóm GEOMAR cho thấy đột biến soma tích tụ ở cây non nhân bản, quá trình tương tự ung thư. Giờ đây, các chuyên gia đứng đầu là giáo sư Reusch, tiến sĩ Benjamin Werner ở Đại học Queen, London (QMUL), và giáo sư Iliana Baums (Viện đa dạng sinh học biển chức năng Helmholtz tại Đại học Oldenburg (HIFMB) sử dụng quá tình tích tụ đột biến này để phát triển một loại đồng hồ phân tử có thể xác định độ tuổi của bất kỳ cây nhân bản nào với độ chính xác cao.
Reusch và cộng sự ứng dụng loại đồng hồ mới với tập dữ liệu trên khắp thế giới của cỏ lươn Zostera marina, phân bố khắp Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Đặc biệt ở Bắc Âu, nhóm nghiên cứu tìm thấy những cây nhân bản với độ tuổi vài trăm năm, có thể sánh ngang với cây sồi lớn.
Cây nhân bản cổ nhất được xác định là 1.402 năm tuổi và đến từ biển Baltic. Cây cỏ lươn này đạt niên đại cao như vậy trong môi trường khắc nghiệt và hay thay đổi. Kết quả đó khiến cây cỏ lươn nhân bản còn lớn tuổi hơn cá mập Greenland hay sò biển Quahog, chỉ sống vài trăm năm. Nhóm nghiên cứu hy vọng đồng hồ di truyền mà họ phát triển có thể cung cấp một công cụ nhằm tính chính xác tuổi cây nhân bản.