Khe núi Puerto de Bujaruelo - "Xa lộ" di cư của côn trùng
Khe núi rộng 30m trên dãy Pyrenees là đường di cư của nhiều côn trùng, đôi khi có tới 3.000 con ruồi bay qua một mét mỗi phút.
(Video: Will Hawkes)
Nhóm chuyên gia tại Đại học Exeter, Anh, phát hiện hơn 17 triệu côn trùng di cư hàng năm qua Puerto de Bujaruelo, khoảng trống rộng khoảng 30m ở dãy núi Pyrenees, khu vực biên giới giữa Pháp và Tây Ban Nha. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B Biological Sciences hôm 11/6.
"Đó thực sự là một điều kỳ diệu. Bạn quăng lưới và thấy nó chứa những con ruồi nhỏ nhất, tất cả đều đang tham gia cuộc di cư quy mô lớn khó tin này", Will Hawkes, chuyên gia tại trung tâm sinh thái và bảo tồn tại Đại học Exeter, cho biết.
Nghiên cứu mới bắt nguồn từ phát hiện của hai nhà điểu học người Anh Elizabeth và David Lack vào năm 1950, khi họ bắt gặp cuộc di cư qua khe núi Puerto de Bujaruelo ở độ cao 2.273m. "Họ đã chứng kiến số lượng lớn ruồi giả ong mứt (Episyrphus balteatus) di cư qua núi. Chúng tôi cũng đến khe núi đó để xem liệu cuộc di cư còn diễn ra không, đồng thời ghi chép về các loài và số lượng", Hawkes cho biết.
"Không chỉ số lượng lớn ruồi giả ong mứt vẫn di cư qua khe núi mà còn nhiều điều hơn thế. Những côn trùng này bắt đầu hành trình từ một nơi xa hơn về phía bắc ở châu Âu, bay về phía nam đến Tây Ban Nha và có lẽ xa hơn nữa trong mùa đông. Có những ngày số lượng ruồi lên tới hơn 3.000 con bay qua một mét mỗi phút", ông nói thêm
Các nhà nghiên cứu bắt ruồi di cư trên dãy núi Pyrenees.
Ngoài ruồi giả ong mứt, nhóm nghiên cứu còn quan sát được bướm bắp cải trắng (Pieris rapae), chuồn chuồn (Odonata) và ruồi nhà (Musca domestica) bay qua Puerto de Bujaruelo. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng camera, lưới cùng thị lực tinh tường để phát hiện và ghi chép các loại côn trùng.
Trên toàn cầu, số lượng côn trùng suy giảm ở mức đáng báo động và nhiều khả năng số lượng côn trùng bay qua khe núi cũng đã giảm kể từ khi chúng được quan sát lần đầu cách đây 70 năm. Các nhà khoa học hy vọng rằng phát hiện mới có thể thúc đẩy việc bảo vệ môi trường sống cho côn trùng. "Côn trùng rất dẻo dai và có thể phục hồi nhanh chóng", Hawkes nhận định.
Việc nhiều côn trùng như vậy đồng thời di chuyển theo cùng hướng là một sự kỳ diệu của thiên nhiên, theo trưởng nhóm nghiên cứu Karl Wotton. "Sự kết hợp giữa những ngọn núi cao và kiểu gió khiến cuộc di cư ở độ cao lớn, thường không thể nhìn thấy được, trở thành cảnh tượng quý hiếm và có thể quan sát từ mặt đất", Wotton cho biết.