Được bảo vệ nhờ kháng thể từ năm... 1918
Kháng thể từ những người sống sót sau đại dịch cúm năm 1918 - đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử loài người - vẫn tiếp tục bảo vệ họ chống lại loại virus chết người này, mở ra một "vũ khí" mới trong cuộc chiến với cúm gà.
Các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu 32 người sống sót qua dịch cúm năm 1918 tuổi từ 91 đến 101, và phát hiện thấy tất cả đều có kháng thể trong máu để giết virus một cách hiệu quả đến kinh ngạc.
Kháng thể của họ còn giúp chuột chống lại virus cúm gà chết người. Điều đó chứng tỏ dù 90 năm đã qua, những người sống sót sau đại dịch vẫn tiếp tục được bảo vệ.
"Thật là ngạc nhiên khi biết rằng những người được nghiên cứu này có các tế bào lơ lửng trong máu họ lâu đến vậy", tiến sĩ James Crowe từ Đại học Vanderbilt ở Tennessee, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Các bệnh nhân được điều trị trong dịch cúm năm 1918 tại một khu ở Fort Riley Kansas. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Nhóm của Crowe hiện làm việc để lấy ra kháng thể từ những người được tiêm phòng trong các thử nghiệm đối phó với virus cúm H5N1, đang hoành hành ở châu Á, châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Kháng thể của những người sống sót nói trên sẽ là một giải pháp điều trị tạm thời tốt trong khi chờ văcxin được sản xuất, lưu hành.
Đại dịch cúm năm 1918 bùng nổ từ Tây Ban Nha và quét qua toàn thế giới vào cuối cuối Thế chiến 1, giết chết khoảng từ 50 đến 100 triệu người. Một vài chuyên gia nhận định nó là đại dịch tàn phá nhất trong lịch sử.