Gần 15.000 người Việt mắc nấm phổi mỗi năm
Việt Nam đứng đầu thế giới về số ca mắc nấm phổi xâm lấn, với khoảng 15.000 bệnh nhân mỗi năm, chủ yếu do nấm Aspergillus.
Bệnh phổi do nấm Aspergillus gây ba nhóm bệnh: nấm phổi xâm lấn, nấm phổi mãn tính và dị ứng phế quản phổi do nấm. Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết như trên tại hội thảo nhân Ngày thế giới phòng chống bệnh nấm do Aspergillus, ngày 19/2.
Việt Nam cũng là nước có gánh nặng bệnh nấm mãn tính thứ năm trên thế giới, khoảng hơn 55.000 ca.
Nấm Aspergillus là loại nấm phổ biến nhất, có cả trong nhà và môi trường bên ngoài. Người có hệ miễn dịch tốt sẽ thải loại được nấm này. Người suy giảm hệ miễn dịch, khi nấm Aspergillus xâm nhập sẽ phát triển gây bệnh. Biểu hiện của bệnh là sốt, ho khác đờm, khó thở, đau ngực, mệt mỏi, suy mòn...
Nấm Aspergillus. (Ảnh: Shuterstock).
Điều trị nấm phổi càng sớm càng tốt. Bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc kháng nấm kết hợp với nhiều biện pháp như hỗ trợ miễn dịch, phẫu thuật... Thời gian điều trị phải trên 3 tháng.
"Tỷ lệ tử vong do bệnh lý này khoảng 50-70%. Khi nấm xâm lấn tràn lan mạnh, có thể phá hủy toàn bộ hệ thống phổi, gây ra tử vong nhanh chóng", Bác sĩ Nhung nói.
Trên thế giới có khoảng 14,6 triệu ca, tử vong 1,6 triệu người một năm, tương đương số tử vong do lao, gấp ba lần tử vong do sốt rét. Nhiều quốc gia không đủ nguồn lực để chẩn đoán và điều trị ca bệnh này.
Việt Nam đang trong nhóm đầu về phát hiện bệnh song gặp rất nhiều khó khăn trong chẩn đoán sớm do hệ thống xét nghiệm chưa đầy đủ, khả năng chẩn đoán của bác sĩ còn hạn chế. Đặc biệt bệnh này ít được quan tâm.
Để đề phòng nấm phổi, cần tránh các khu vực có nhiều bụi như các công trường xây dựng, đeo khẩu trang nếu cần. Tránh các hoạt động liên quan đến đất hoặc bụi như làm việc trong sân hoặc vườn, trang bị đồ bảo hộ khi làm. Đeo găng tay khi xử lý các vật liệu như đất, rêu hoặc phân. Nếu bị thương, hãy làm sạch các vết thương ngoài da bằng xà phòng hoặc nước, tránh nấm xâm nhập.