Giải mã bí ẩn chân dung thần tình dục Hy Lạp
Chân dung vị thần sinh sản và tình dục Hy Lạp Priapus có dương vật quá khổ là dấu hiệu của bệnh rối loạn quan hệ tình dục và vô sinh.
- Vì sao tượng cổ Hy Lạp thường khỏa thân?
- Giải mã lời nguyền của thần đầu rắn 1600 năm trước
Bí ẩn chân dung thần tình dục Hy Lạp
Lâu nay, người ta vẫn coi dương vật của thần Priapus là biểu tượng nam tính và năng lực truyền giống. Chân dung vị thần này được thấy trên tường đại sảnh dinh tự Vetti ở Pompeii, một tàn tích thành La Mã từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, nằm ở gần Naples, Italy. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Urology, đây có thể là dấu hiệu của bệnh rối loạn quan hệ tình dục và vô sinh.
Chân dung thần tình dục Priapus trên tường đại sảnh dinh thự Vetti ở Pompeii, Italy. (Ảnh: Discovery News)
"Dương vật bất cân xứng là dấu hiệu đặc trưng của bệnh hẹp bao quy đầu, cụ thể hơn là nghẹt bao quy đầu," Discovery News hôm 12/6 dẫn lời Francesco Maria Galassi, bác sĩ đại học Imperial London cho biết. Ông là đồng tác giả nghiên cứu trên.
"Trong trường hợp này, da không đủ để lộn lại, che phủ quy đầu," bác sĩ Galassi nói.
Khuyết tật sinh dục, trong đó có bệnh về bao quy đầu từ lâu đã được mô tả trong các tác phẩm nghệ thuật lịch sử. Tuy nhiên, tại sao một vị thần về khả năng sinh sản và tình dục, lại bị chứng bệnh nặng về bao quy đầu?
Galassi cho rằng, ở thời kỳ đó, có thể tỷ lệ mắc bệnh về bao quy đầu khá cao trong cộng đồng nam giới Pompeii. Do đó, người ta gán những hình ảnh đó cho thần Priapus để xua tan khiếm khuyết về giải phẫu và chức năng dương vật.
Jessica Hughes, giảng viên khoa cổ đại, đại học Mở Anh, cũng đồng quan điểm trên. Rất có thể, những người thợ mỹ thuật cũng gặp khiếm khuyết bao quy đầu.
"Đồ tế lễ hình dáng bộ phận cơ thể được chế tác ở Italy giữa thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ hai trước Công nguyên cũng cho thấy dương vật có bao quy đầu bịt kín, như trong bức vẽ thần Priapus ở Pompeii," Hughes nói.
"Thật là một thử thách cho chúng tôi khi tìm hiểu tại sao các nghệ sĩ lại lựa chọn một đối tượng bị khiếm khuyết sinh học làm biểu tượng cho sự phồn thực và sức khỏe," Hughes nói. "Có lẽ, chúng ta phải nhìn bức họa dưới góc độ biểu tượng của sức mạnh một vị thần, không bị giới hạn về sinh học giống như người phàm."