Giải mã nguyên nhân cá voi sát thủ tấn công tàu thuyền
Những con cá voi sát thủ đâm vào và nhấn chìm tàu thuyền ở eo biển Gibraltar có thể chỉ là cá thể chưa trưởng thành nô đùa và hùa theo một xu hướng hành vi.
Từ tháng 5/2020, các nhà nghiên cứu ghi nhận gần 700 vụ cá voi sát thủ đâm vào tàu thuyền gần bán đảo Iberia. Hành vi này khiến các thủy thủ và nhà khoa học bối rối, nhiều người nghi ngờ cá voi sát thủ dạy đồng loại tấn công tàu thuyền đi lại trong vùng. Những giả thuyết nhằm giải thích hành vi kỳ lạ của chúng bao gồm từ khan hiếm thức ăn (cá voi sát thủ coi tàu thuyền là kẻ thù tranh giành con mồi ưa thích của chúng) và sự khôi phục hoạt động trên biển đột ngột sau đại dịch.
Cá voi sát thủ tiếp cận du thuyền ở eo biển Gibraltar. (Ảnh: Telegraph).
Tuy nhiên, nhà sinh vật học hải dương hàng đầu Alex Zerbini, chủ tịch hội đồng khoa học ở Ủy ban đánh bắt cá voi quốc tế (IWC) kiêm thành viên nhóm nghiên cứu do chính phủ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chỉ định, cho biết nhiều khả năng hành vi của cá voi sát thủ là một "truyền thống văn hóa" mới không có mục đích rõ ràng. Nói cách khác, cá voi sát thủ có thể chỉ chạy theo niềm hứng thú nhất thời.
Theo nhóm nghiên cứu, một số quần thể phát triển xu thế hành vi khác thường tạm thời và cách thể hiện dường như không phục vụ bất kỳ mục đích thích nghi rõ ràng nào. Các nhà nghiên cứu cũng liệt kê vài hành vi kỳ lạ từng quan sát ở cá voi sát thủ trong những thời kỳ khác nhau qua nhiều năm. Ví dụ, cá voi sát thủ ở nam Thái Bình Dương phát triển thói quen mang xác cá hồi trên đầu vào năm 1987, bắt đầu với cá thể trẻ tuổi và lan rộng khắp quần thể. Hành vi này nhanh chóng biến mất sau đó, rồi trở lại vào mùa hè năm 2008 và lại biến mất lần nữa. Một trường hợp khác về hành vi kỳ lạ xuất hiện và biến mất trong vòng 20 năm là những cặp cá voi sát thủ đực nhỏ tuổi và trưởng thành đập đầu vào nhau.
Trong số tai nạn gần đây, phần lớn cá voi sát thủ tiếp cận tàu bị hỏng hóc hoặc chìm là cá thể chưa trưởng thành. Chúng thường chậm rãi bơi đến như thể tìm cách dùng mõm đụng nhẹ vào bánh lái. Hành vi của những con vật này không có gì hung dữ và không phải mọi tương tác đều kết thúc với tàu thuyền bị phá hủy, theo Zerbini.
Nhóm nghiên cứu nghi ngờ hành vi mới trên có thể sẽ biến mất ở thời điểm nào đó và tái xuất hiện lần nữa. "Khi nô đùa với bánh lái, chúng không hiểu chúng có thể phá hủy bộ phận đó, gây ảnh hưởng tới con người. Đó là hành vi nô đùa thay vì phá hoại có chủ đích", Zerbini nhấn mạnh.

Những bãi biển nguy hiểm nhất thế giới
Phần lớn du khách đều muốn đi biển vào mùa hè, nhưng nhiều bãi biển tiềm ẩn những nguy hiểm chết người.

Những sự thật thú vị về cá mập khiến bạn kinh ngạc
Cá mập là một trong những sinh vật biển nguy hiểm nhất của đại dương. Chúng là những sát thủ đáng sợ đối với sinh vật biển cũng như con người. Bên cạnh sự nguy hiểm đó chúng còn có những điều rất thú vị mà bạn không ngờ tới.

Những mối quan hệ hai bên cùng có lợi
Một mối quan hệ giữa hai cá thể (loài vật, cây, con người...) chỉ tồn tại được lâu dài nếu cả hai bên đều được lợi. Đó là quy luật cộng sinh.

Tìm hiểu về loài mực - cách mà loài thân mềm yếu ớt sinh tồn
Mực có kích cỡ rất đa dạng từ khổng lồ 14m đến loài mực lùn chỉ dài 2,5cm. Các con vật này được xếp vào nhóm động vật thân mềm.

Sự thật đằng sau việc cho cá voi trắng ăn đá viên là gì?
Trong mùa hè thiêu đốt này, có lẽ bạn đang nghĩ ra nhiều cách khác nhau để giải nhiệt. Nhưng bạn có bao giờ thắc mắc tại sao chúng ta thường thấy người ta cho cá voi beluga ăn đá viên không?

Đốm màu bí ẩn khổng lồ ở Thái Bình Dương cuối cùng cũng được hé lộ
Được biết tới kể từ năm 2010, những đốm màu khổng lồ ở Thái Bình Dương đã trở thành một bí ẩn với những ai chứng kiến.
