Google Doodle hôm nay tôn vinh phở Việt Nam
Google Doodle hôm nay tôn vinh phở, món ăn quốc dân của Việt Nam được phục vụ như một loại súp với nước dùng mặn, bánh phở mềm, rau thơm và thịt thái mỏng.
Vào ngày này cách đây 3 năm, ngày 12/12/2018 được chọn là ngày chính thức để tôn vinh món phở Việt Nam, nhằm vinh danh kho tàng ẩm thực được yêu mến và sự hòa quyện văn hóa mà nó đại diện.
Điều làm nên sự khác biệt của phở là quá trình nấu phở cầu kỳ để có nước dùng trong và thơm. Từ các nguyên liệu như gừng rang, hạt thì là, hoa hồi và quế cho nước dùng ninh nhừ, nước dùng là yếu tố quan trọng nhất để làm nên bát phở ngon, phù hợp khẩu vị mọi người.
Doodle của nghệ sĩ khách mời Lucia Phạm vinh danh phở Việt Nam.
Trong khi nguồn gốc chính xác của phở không rõ ràng, hầu hết các nhà sử học cho rằng phở được sinh ra ở Nam Định, miền Bắc Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Ở Nam Định, phở có nguồn gốc từ làng Vân Cù, xã Đồng Sơn, Nam Trực, nổi tiếng với dòng họ Cồ đã mang nghề nấu phở gia truyền đi khắp mọi nơi sinh cơ lập nghiệp. Món phở được tin là bắt đầu phổ biến trong bối cảnh hình thành Nhà máy Dệt Nam Định.
Phở cũng xuất hiện ở Hà Nội từ những năm đầu thế kỷ 20, đây cũng được biết đến là nơi đã làm cho món ăn này trở nên nổi tiếng.
Thành phần chính của phở là bánh phở và nước dùng (hay nước lèo theo cách gọi miền Nam) cùng với thịt bò hoặc thịt gà cắt lát mỏng. Ngoài ra còn kèm theo các gia vị như tương, tiêu, chanh, nước mắm, ớt... Những gia vị này được thêm vào tùy theo khẩu vị của người dùng.
Phở thông thường được dùng để làm món điểm tâm buổi sáng hoặc lót dạ buổi đêm; nhưng ở các thành phố lớn, món ăn này có thể được thưởng thức cả ngày.
Tại các tỉnh phía Nam Việt Nam và một số vùng miền khác, phở được bày kèm với đĩa rau thơm như hành, giá và những lá cây rau mùi, rau húng, trong đó ngò gai là loại lá đặc trưng của phở. Tuy nhiên, tại Hà Nội thông thường sẽ không có đĩa rau sống này. Phở thường là phở bò hay phở gà, nhưng đôi khi cũng có những biến thể khác như phở sốt vang, phở khô, phở xào, phở chua, phở vịt ở Cao Bằng, phở thịt quay ở các tỉnh miền núi phía Bắc...
Phở - món ăn quốc dân của Việt Nam
Ngày nay, phở được ăn trên toàn thế giới với vô số biến thể như phở trộn, phở cuốn và nhiều loại khác nữa. Mọi người đều có thể đồng ý rằng phở là món ăn truyền thống, một trong những món ăn quý giá của di sản Việt Nam.
Nghệ sĩ khách mời Lucia Phạm đã chia sẻ những suy nghĩ của mình đằng sau việc tạo ra Doodle này.
"Là người Việt Nam, tôi thích ăn phở. Tôi vẫn nhớ phở là món ăn sáng hàng ngày của tôi khi tôi còn học tiểu học. Lúc đó, gần nhà tôi có một quán phở nhỏ. Tôi và chị gái thường đến đó để ăn phở bò trứng trần và quẩy, sau đó bố tôi sẽ đưa chúng tôi đi học. Đây là món ăn mà mỗi sáng sớm mùa thu bạn sẽ nghĩ đến" - Lucia Phạm nói.
Trả lời câu hỏi "Suy nghĩ đầu tiên của bạn khi được tiếp cận về việc làm trên Doodle này là gì", Lucia Phạm cho hay: "Đó là 'Ngày mai ăn phở nhé!'. Khi tôi lớn hơn, tôi bận rộn hơn, tôi thích nấu ăn ở nhà hơn là ra ngoài ăn. Vì vậy, tôi quyết định ngày mai phải có một tô phở để giúp tôi nhớ lại hương vị của món phở mà tôi yêu thích".
Về cảm hứng cho Doodle này, Lucia Phạm cho biết cô đã suy nghĩ rất nhiều về việc làm thế nào để đại diện cho Việt Nam một cách hợp lý. "Điều này hơi khó đối với tôi, vì phong cách và gu thẩm mỹ của tôi khá hiện đại nên ban đầu tôi cũng hơi lo lắng rằng sẽ không truyền tải được hương vị Việt Nam qua Doodle này. Tôi rất thích gạch hoa và các họa tiết trang trí, vì vậy tôi đã sử dụng một loại gạch hoa rất phổ biến ở Việt Nam để thiết kế Doodle này" - Lucia Phạm bộc bạch.
Phác thảo đầu tiên của Lucia Phạm về phở.
Với Doodle phở, Lucia Phạm hy vọng truyền tải thông điệp tới mọi người rằng: "Sáng mai đi ăn phở nhé! Thời tiết ở Hà Nội lúc này rất đẹp, hoàn hảo cho một buổi sáng sớm với một bát phở và một tách cà phê nóng, nên tôi luôn nghĩ đến việc ăn phở vào buổi sáng khi làm Doodle này. Ngoài ra, tôi cũng hy vọng thiết kế hình minh họa và chuyển động trong Doodle sẽ giúp ích cho những bạn chưa hiểu rõ về nguyên liệu và cách nấu phở ngon hơn. Phở là một món ăn rất quý của Việt Nam, vì vậy tôi muốn trân trọng và giới thiệu nó".

Lịch sử về ngày giổ tổ Hùng Vương
Nguồn gốc lịch sử ngày giỗ tổ 10/03 được rất nhiều thế hệ trẻ quan tâm và tìm tòi muốn tìm hiểu mỗi khi tới dịp ngày giỗ tổ Hùng Vương.

14 lực lượng quân đội hùng mạnh nhất lịch sử thế giới cổ đại
Trong Top 14 này, ngoài những cái tên quá nổi tiếng như Sparta hay La Mã thì 4 trong số đó là Mông Cổ, Hung Nô, Hán và quân đội nhà Đường đều của Trung Quốc.

Lịch sử ra đời chiếc xe gắn máy đầu tiên
Xe gắn máy hai bánh (xe gắn máy, xe máy) đã và đang là phương tiện giao thông phổ biến ở nhiều quốc gia.

Trò chơi phổ biến về Hình tượng trưng của Google trên Googgle Doodle hôm nay là gì?
Trò chơi phổ biến về Hình tượng trưng của Google là những trò chơi xuất hiện trên Google Doodle nhân dịp kỉ niệm sự kiện đặc biệt nào đó.

Ngày Xuân phân là gì?
Theo khoa học phương Tây, Ngày Xuân phân là ngày mà thời gian ban ngày và thời gian ban đêm dài bằng nhau ở xích đạo, đây là ngày bắt đầu của mùa Xuân ở bắc bán cầu hay ngày bắt đầu mùa Thu ở bán cầu nam.

Lịch sử và ý nghĩa ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3
Ngày Quốc tế Hạnh phúc được bắt nguồn từ đâu? Ngày này có ý nghĩa lịch sử đặc biệt như thế nào? Và tại sao lại được chọn ngày 20/3 hàng năm là ngày quốc tế hạnh phúc. Cùng tìm hiểu nhé.
