Hành tinh thứ 9 có thể gây thảm họa cho hệ Mặt Trời
Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh chỉ ra nếu thực sự tồn tại, hành tinh thứ 9 có thể gây ra sự hỗn loạn kinh hoàng cho Thái Dương Hệ một khi Mặt Trời chết đi.
Trong một nghiên cứu công bố mới đây, tiến sĩ Dimitri Veras thuộc Khoa Vật lý, Đại học Warwick, Anh, nhận định rằng nếu hành tinh thứ 9, hành tinh giả định nằm ở vành ngoài hệ Mặt Trời, tồn tại, nó có thể gây ra thảm họa Thái Dương Hệ một khi Mặt Trời lụi tàn, theo Science Daily.
Theo kịch bản được các nhà thiên văn xây dựng trước đây, khi Mặt Trời bắt đầu chết trong khoảng 7 tỷ năm nữa, khối lượng của nó sẽ giảm một nửa và Mặt Trời sẽ phồng to, nuốt trọn Trái Đất trước khi nguội lạnh, trở thành một sao lùn trắng. Quá trình này sẽ đẩy sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương, sao Hải Vương tới vị trí an toàn ở xa.
Hành tinh thứ 9 có thể hất văng các hành tinh khổng lồ trong hệ Mặt Trời. (Ảnh: Đại học Warwick).
Tuy nhiên, tiến sĩ Veras nhận thấy sự tồn tại của hành tinh thứ 9 có thể thay đổi kịch bản trên. Ông phát hiện hành tinh này có thể không bị đẩy ra xa tương tự các hành tinh khác mà chuyển động hỗn loạn cùng với 4 hành tinh khí khổng lồ của hệ Mặt Trời, trong đó đáng chú ý nhất là sao Thiên Vương và Hải Vương. Kết quả là chúng có nguy cơ va chạm với hành tinh thứ 9 và bị hất văng ra khỏi hệ Mặt Trời vĩnh viễn.
Sử dụng một mô hình đặc biệt để mô phỏng cái chết của hệ hành tinh, tiến sĩ Veras lập bản đồ nhiều vị trí khác nhau mà tại đó, hành tinh thứ 9 có khả năng làm thay đổi tương lai của hệ Mặt Trời. Hành tinh này có khối lượng càng lớn và càng ở xa, nguy cơ nó va chạm vào các hành tinh trong hệ Mặt Trời càng cao.
Phát hiện của tiến sĩ Veras giúp tăng cường hiểu biết về cấu trúc hành tinh ở những hệ mặt trời khác nhau. Gần một nửa sao lùn trắng đang tồn tại đều chứa đá, nhiều khả năng là dấu hiệu của những mảnh vụn bắn ra từ quá trình tương tự hệ hành tinh khác.
"Sự tồn tại của một hành tinh to lớn ở xa có thể làm thay đổi về cơ bản vận mệnh của hệ Mặt Trời. Sao Thiên Vương và sao Hải Vương có thể không còn an toàn trước cái chết của Mặt Trời. Số phận của hệ Mặt Trời sẽ phụ thuộc vào những khối lượng và tính chất quỹ đạo của hành tinh thứ 9 nếu nó tồn tại", tiến sĩ Veras giải thích.