Hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm sắt) của Israel hoạt động như thế nào?
Hệ thống phòng không Vòm Sắt do Công ty công nghệ quốc phòng nhà nước Israel Rafael Advanced Defense Systems phối hợp với Công ty hàng không vũ trụ Israel Aerospace Industries phát triển. Dự án được sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của Mỹ.
Vòm sắt được phát triển trong 3 năm với chi phí 200 triệu USD, đưa vào hoạt động từ năm 2011. Nó được thiết kế để đánh chặn các loại đạn pháo và tên lửa tầm ngắn, trong đó có các tên lửa được bắn từ Dải Gaza. Ngoài Vòm Sắt, Israel còn có 2 hệ thống phòng không khác là David's Sling và Arrow chống lại các cuộc tấn công tầm trung và tầm xa.
Theo nhà sản xuất Rafael, Iron Dome sẽ hoạt động cả ngày lẫn đêm, dưới nhiều điều kiện thời tiết bất lợi và có thể phản ứng trước nhiều mối đe dọa cùng lúc.
Vòm sắt được phát triển trong 3 năm với chi phí 200 triệu USD.
Vòm Sắt có 3 thành phần chính bao gồm:
- Radar phát hiện và theo dõi: hệ thống radar được chế tạo bởi IDF và Elta - một công ty phòng thủ của Israel và là công ty con của Israel Aerospace Industries.
- Trung tâm điều khiển vũ khí và quản lý chiến thuật (BMC): đây là một hệ thống phần mềm được mPrest - một công ty phần mềm của Israel phát triển dành riêng cho Rafael. Phần mềm hoạt động trên nền tảng Microsoft Windows và kiến trúc .NET. mPrest cho biết phần mềm có thể quản lý hàng chục nghìn vật thể thay đổi nhiều lần mỗi giây.
- Đơn vị phóng: đơn vị này chứa các tên lửa đánh chặn Tamir, được trang bị với các cảm biến điện-quang học và các vây điều hướng để đạt khả năng cơ động cao nhất. Các tên lửa được chế tạo bởi Rafael.
Theo mô tả công khai, Vòm sắt được tích hợp hệ thống radar và phân tích dữ liệu để xác định liệu tên lửa đang bay tới có phải là mối đe dọa hay không. Nó sẽ bắn tên lửa đánh chặn nếu nhận thấy tên lửa đang bay tới có nguy cơ đâm vào các khu vực dân cư hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng.
Tên lửa đánh chặn được bắn theo phương thẳng đứng từ các bệ phóng di động hoặc từ bệ phóng cố định. Nó sẽ lao vào tên lửa đang bay tới trong không trung, tạo ra tiếng nổ vang trời và kích hoạt tiếng còi cảnh báo.
Một bệ phóng của tổ hợp Vòm sắt có khả năng bám bắt, theo dõi và tiêu diệt đồng thời 12 mục tiêu. Các thuật toán sau đó sẽ cho biết tên lửa này bay từ đâu tới, sẽ bay đến đâu và dự kiến rơi ở đâu.
Nó hoạt động tốt trong mọi điều kiện thời tiết, bao quát được diện tích đến 150 km2. Đối với một khu vực như vậy, đây là phương tiện phòng thủ hiệu quả nhất. Mỗi khẩu đội Vòm sắt có 3 - 4 bệ phóng, mỗi bệ mang 20 tên lửa đánh chặn Tamir có giá thành 40.000 USD/quả đến 100.000 USD/ quả. Tính tới năm 2018, Israel đã có 10 tổ hợp Vòm sắt đang hoạt động.
Phát biểu với tờ Israel Hayom, các quan chức quốc phòng Israel cho biết, phần cứng của Vòm Sắt vẫn được giữ nguyên kể từ lần đầu triển khai, nhưng phần mềm đã được cập nhật để giúp hệ thống hoạt động tốt hơn trong nhiều năm qua.
Theo Topwar, đại tá Sergei Khatylev, chuyên gia quân sự, người đứng đầu lực lượng tên lửa phòng không (2007 - 2009) thuộc Bộ Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm (Phòng không Mosckva) Vòm sắt hiệu quả trước hết nó có khả năng phát hiện vũ khí tấn công ngay tại thời điểm phóng, các trạm xử lý thông tin tên lửa đạn đạo tốc độ cao sẽ tính toán quỹ đạo bay, dẫn đường đánh chặn và tiêu diệt mục tiêu.
"Từ khoảng cách khoảng 70 km, Vòm sắt có thể bám bắt mục tiêu, khóa chặt và tiêu diệt với xác suất 100%. Thời gian từ khi phát hiện vụ phóng đến lúc tiêu diệt chỉ là 2 giây", ông Khatylev nói.
Sơ đồ hệ thống phòng thủ Vòm sắt.
Việc kích nổ tên lửa không được thực hiện ở độ cao thấp. Israel đã cố gắng chặn đạn tấn công ở điểm cao nhất của quỹ đạo để ngăn các mảnh vỡ rơi vào khu dân cư. Điều này có nghĩa nhiệm vụ chính của Vòm sắt là tiêu diệt tên lửa hoặc đạn pháo ở điểm cao nhất của quỹ đạo, trong khi các hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường, kể cả của Mỹ, thường đánh chặn mục tiêu ở độ cao 1 - 2 km.
Với khu vực bao quát rộng, "Và điều quan trọng nhất là trạm radar cũng như thiết bị tích hợp, tức là máy tính thuộc hệ thống điều khiển hỏa lực, có thể xác định một cách rất chính xác đường bay của tên lửa", chuyên gia Khatylev giải thích.
Tuy vậy, một số nhà phân tích quốc phòng tỏ ra hoài nghi về tuyên bố này, cho rằng, số liệu của Israel về các vụ đánh chặn thành công có thể chưa chính xác. "Không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào là hoàn toàn đáng tin cậy, đặc biệt khi chúng liên tiếp phải chống lại các mối đe dọa mới nổi", Michael Armstrong, phó giáo sư tại Đại học Brock (Canada) nhận định.
Một vấn đề khác của Vòm sắt là giá cả đắt đỏ của toàn hệ thống. Một phép so sánh nhỏ: giá một lần phóng tên lửa Tamir trung bình là 50.000 USD trong khi đạn pháo bắn đi từ Dải Gaza giá chỉ khoảng 1.000 USD. Vì vậy, có ý kiến lo ngại chính phủ Israel quá phụ thuộc vào hệ thống Vòm Sắt và không bố trí đủ nguồn lực cho các hệ thống phòng thủ khác, trong đó có việc xây dựng và nâng cấp các hầm trú ẩn.
Quân đội Israel ngày 11/5 một lần nữa khẳng định, 90% số tên lửa bay vào không phận nước này đều bị hệ thống Vòm Sắt phá hủy hoàn toàn và trong số đó, có khoảng 500 tên lửa được phóng từ Dải Gaza.
Vòm Sắt là một cấu phần chống tên lửa tầm ngắn của hệ thống phòng thủ chống tên lửa gồm ba tầng của Israel.
Hai cấu phần khác bao gồm hệ thống phòng không David's Sling, hiện vẫn đang được phát triển, dự định nhằm bắn hạ các mục tiêu tầm trung trong khí quyển, bao gồm cả khu vực trên Địa Trung Hải; và hệ thống tên lửa Arrow, được thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm xa trong không gian.