Hội chứng K: Căn bệnh bí hiểm và cú lừa ngoạn mục dành cho Đức Quốc xã?
Trong cuộc trốn chạy khỏi thảm họa diệt chủng do Đức Quốc xã tiến hành, một nhóm người Do Thái đã thoát nạn nhờ căn bệnh bí hiểm khiến kẻ thù “chạy như thỏ”.
Chính sách bài Do Thái tàn bạo của Đức Quốc xã trong Chiến tranh Thế giới thứ hai đã dẫn đến cuộc thảm sát kinh hoàng trong lịch sử nhân loại. Người Do Thái trên khắp châu Âu bị săn lùng ráo riết và giết hại thẳng tay. Nhưng cũng chính trong thời kỳ đen tối đó, vẫn sáng ngời những tấm gương anh hùng dám đứng lên dùng chính nghĩa đánh bại hung tàn.
Bên cạnh những cuộc đấu tranh vũ trang hay mưu đồ ám sát giới lãnh đạo chóp bu của Đức Quốc xã, còn có cả những sáng kiến thông minh tài tình giúp cứu sống hàng chục mạng người mà không tốn một mũi tên viên đạn.
Mùa thu năm 1943, phát xít Đức bắt đầu vây bắt người Do Thái tại Italy và đã lưu đày hàng nghìn người đến các trại tập trung tàn khốc. Đám vòi bạch tuộc ngày càng bành trướng và lan rộng của chính sách diệt chủng buộc người Do Thái phải tìm đến mọi nơi trú ẩn có thể được, và một trong số đó là Bệnh viện Fatebenefratelli.
Nằm trên một mô đất nhỏ hình con thuyền nổi lên giữa lòng sông Tiber ở thành phố Rome, Fatebenefratelli là một bệnh viện nhỏ được thành lập từ thế kỷ 16 và có "truyền thống" gắn liền với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Với vị trí biệt lập, nơi này từng được dùng để cách li các bệnh nhân dịch hạch hồi thế kỷ 17, và cũng là chỗ trú tạm của các bệnh nhân trong vụ dịch tả tại Rome vào năm 1832. Nhưng khi quân Đức ập vào Bệnh viện Fatebenefratelli để lùng bắt người Do Thái, chúng đã phải run sợ trước một căn bệnh bí hiểm chưa từng nghe nói đến, đó là "Hội chứng K".
Bệnh viện Fatebenefratelli.
Không hề được đề cập trong y văn, và cũng hoàn toàn xa lạ đối với tất cả những ai không làm việc tại Bệnh viện Fatebenefratelli, Hội chứng K khi đó được mô tả rất mơ hồ chỉ bằng vài biểu hiện thần kinh như co giật, sa sút trí tuệ, liệt cơ, và kết cục cuối cùng là tử vong do ngạt thở.
Sau khi được các bác sĩ giải thích về tính lây nhiễm cực cao của Hội chứng K và những gì đang chờ đợi chúng đằng sau cánh cửa phòng bệnh đóng kín, đám lính Quốc xã đều sợ đến nỗi không ai dám bước vào. Tiếng ho sặc sụa phát ra từ bên trong mỗi khi chúng lướt ngang qua lại càng bào mòn tinh thần và ý chí của quân lính.
Chúng vội vã rời khỏi Bệnh viện Fatebenefratelli, bỏ lại sau lưng hàng chục người Do Thái với căn bệnh đáng sợ.
Vậy rốt cuộc "Hội chứng K" là gì, và tại sao nó không hề được giới y học biết đến cả trước và sau khi vụ việc này diễn ra?
Câu trả lời đơn giản ngoài sức tưởng tượng chỉ được hé lộ hơn sáu mươi năm sau bởi bác sĩ Vittorio Sacerdoti, một trong những người trực tiếp tham gia làm nên toàn bộ câu chuyện ly kỳ.
Bệnh viện Fatebenefratelli thực ra không chỉ là một cơ sở điều trị thông thường, mà ngay từ năm 1938 đã được bác sĩ trưởng Giovanni Borromeo biến thành nơi trú ẩn an toàn cho cộng đồng người Do Thái sau khi chính quyền Italy ban hành luật bài trừ họ.
Với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp, Borromeo đã giúp đỡ rất nhiều người Do Thái và người chống phát xít đến đây lánh nạn.
Trong số đó phải kể đến Vittorio Sacerdoti, một bác sĩ trẻ người Do Thái đã được Borromeo làm giả hồ sơ để có thể làm việc trong bệnh viện, và Adriano Ossicini, một bác sĩ tâm thần chủ trương chống phát xít và từng bị bắt giam nhiều lần, cũng được tạo cơ hội làm việc và cùng với nhiều bác sĩ khác điều hành một cơ sở kháng chiến bí mật ngay tại Bệnh viện Fatebenefratelli.
Bác sĩ Giovanni Borromeo.
Vào tháng Mười năm 1943, khi Đức Quốc xã ập vào tấn công cộng đồng Do Thái tại Rome, nhiều người đã phải trốn chạy và được thu nhận vào Bệnh viện Fatebenefratelli với danh nghĩa là "bệnh nhân". Đó chính là điểm khởi đầu cho sự ra đời của một căn bệnh vô tiền khoáng hậu trong lịch sử thế giới.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC vào năm 2004, bác sĩ Sacerdoti đã lần đầu tiên tiết lộ sự thật về căn bệnh ám ảnh Đức Quốc xã này. Các "bệnh nhân" Do Thái sẽ được ghi nhận trong hồ sơ bệnh án là mắc phải "Hội chứng K" nguy hiểm chết người, với chữ K nhằm ám chỉ Albert Kesselring, kẻ đứng đầu quân Đức tại Rome.
Vào năm 2016, bác sĩ Ossicini ở tuổi 96 cũng đã xác nhận với báo La Stampa của Italy về "màn kịch" tài tình này và khẳng định cái tên "Hội chứng K" chính là ý tưởng của mình.
"Hội chứng K được ghi vào hồ sơ bệnh án để cho biết bệnh nhân đó chẳng phải bệnh tật gì cả, mà là người Do Thái. Chúng tôi dựng nên những hồ sơ đó cho người Do Thái như thể họ là bệnh nhân bình thường, và để phòng khi bị hỏi họ mắc bệnh gì. Đó là Hội chứng K, hàm ý "Tôi đang chứa chấp người Do Thái", cứ như thể họ mắc bệnh vậy, nhưng thực ra họ đều khỏe mạnh cả".
Trong số những người được cứu thoát khỏi lưỡi hái tử thần của Đức Quốc xã khi ấy có cả em họ của bác sĩ Sacerdoti là Luciana Sacerdoti lúc bấy giờ mới 10 tuổi.
Đức Quốc xã rất sợ các căn bệnh truyền nhiễm. (Nguồn: A Science Enthusiast).
Cô kể lại với hãng tin BBC về cú lừa ngoạn mục dành cho quân Đức: "Hôm quân Quốc xã đến bệnh viện, có người tới phòng tôi và nói: "Cháu phải ho, ho thật nhiều vào vì bọn chúng sợ tiếng ho lắm, chúng không muốn bị lây căn bệnh gớm ghiếc đó và chúng sẽ không vào phòng đâu".
Mưu kế đó đã thành công ngoài mong đợi. "Đám Quốc xã tưởng đó là ung thư (thường được ký hiệu là K) hoặc bệnh lao (còn gọi là Hội chứng Koch theo tên nhà khoa học phát hiện ra vi khuẩn lao), và chúng bỏ chạy như thỏ", bác sĩ Sacerdoti nhớ lại.
Như vậy tấn kịch đã được hạ màn sau hơn sáu thập kỷ nằm trong bí mật. Hội chứng K hoàn toàn không có thật, mà chỉ là sáng kiến đầy mưu trí và quả cảm của các bác sĩ tại Bệnh viện Fatebenefratelli nhằm bảo vệ những người Do Thái đến lánh nạn.
Hành động anh hùng này đã được cả cộng đồng trong nước và quốc tế ghi nhận, với việc chính phủ Italy sau chiến tranh đã tặng thưởng Huân chương Chiến công và Huy chương Anh dũng Bạc cho bác sĩ Giovanni Borromeo. Sau khi qua đời năm 1961 tại chính bệnh viện của mình, ông cũng đã được chính phủ Israel truy tặng danh hiệu "Lòng chính trực xuyên quốc gia".
Không chỉ riêng những con người anh hùng, mà bản thân Bệnh viện Fatebenefratelli cũng được ghi công với danh hiệu "Ngôi nhà Sự sống" được trao tặng bởi Quỹ Quốc tế Raoul Wallenberg, tổ chức chuyên ghi nhận và ủng hộ mạnh mẽ các hoạt động cứu giúp người Do Thái khỏi thảm họa diệt chủng.

Điểm danh những loại virus nguy hiểm nhất hành tinh
Bên cạnh các virus "tử thần" như sars, ebola, hiv... vẫn còn những virus không hề kém cạnh về mức độ nguy hiểm đối với con người.

Điểm danh các loại ảo ảnh thị giác lừa đảo bộ não
Ảo ảnh thị giác (Optical Illusions) vẫn được biết đến là những hình ảnh đánh lừa đôi mắt. Nhưng thực chất chúng mang một ý nghĩa khác, đó là những hình ảnh được não bộ “tiên đoán”.

Loại cá là "thuốc" bổ phổi, rất tốt cho sức khỏe phụ nữ
Theo các sách cổ, cá chép bổ tỳ vị, lợi tiểu, tiêu phù, thông sữa, chữa ho, lở loét..., là một trong những thực phẩm bổ dưỡng cho thai phụ. Do lợi tiểu, tiêu phù nên cá chép còn được dùng trong nhiều bệnh khác như gan, thận.

Những điều cần biết về thụ tinh trong ống nghiệm
Kể từ khi ra đời, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) luôn là chỗ bám víu cuối cùng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn muốn sinh em bé, khi tất cả các giải pháp hỗ trợ khác đều cúi đầu chào thua.

Phải tuyệt đối kiêng kỵ làm gì trong ngày mùng 1 Tết?
Có những điều kiêng kị và điều nên làm trong ngày mùng 1 tết đã trở thành phong tục lâu đời của người Việt Nam để mang lại may mắn và tránh điều xui xẻo trong một năm mới.

Hướng dẫn cách bày mâm cúng giao thừa
Tết đang đến gần, không khí xuân ấm áp lan tỏa khắp nơi. Đây cũng là thời điểm nhà nhà chuẩn bị sửa sang, mua sắm những vật dụng cần thiết để chờ đón giao thừa.
