Hội nghị G20 là gì?
Mỗi năm một lần, lãnh đạo các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới trong nhóm G20 sẽ gặp mặt để thảo luận về những vấn đề mang tính định hướng với sự phát triển của các quốc gia.
Hội nghị năm nay sẽ diễn ra trong hai ngày 15-16/11 tại Bali (Indonesia), giữa lúc nền kinh tế thế giới đang cố gắng trở lại đà phục hồi sau đại dịch Covid-19, trong khi căng thẳng địa chính trị nóng lên do cuộc xung đột tại Ukraine.
G20 là gì?
Ra đời năm 1999 - sau một chuỗi các cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra ở nhiều khu vực trên thế giới - nhóm G20 bao gồm 20 thành viên: Argentina, Australia, Brazil, Anh, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Mục đích của G20 là giúp những nền kinh tế hàng đầu thế giới có được diễn đàn để đối phó với các thách thức chung, từ chính trị, kinh tế tới y tế. Khác với nhóm G7, G20 bao gồm cả những nước phát triển và đang phát triển.
Hội nghị G20 năm nay sẽ được tổ chức tại Bali, Indonesia trong hai ngày 15-16/11. (Ảnh: Reuters).
Các thành viên G20 chiếm khoảng 60% dân số và 80% quy mô nền kinh tế thế giới. Họ cũng chiếm tới 75% tổng quy mô thương mại toàn cầu, AP cho biết.
Hội nghị thượng đỉnh G20 là gì?
Sau gần 10 năm hình thành, năm 2008, nhóm G20 tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên tại Washington (Mỹ). Từ đó đến nay, hội nghị này được tổ chức mỗi năm một lần với sự tham gia của nguyên thủ hoặc người đứng đầu chính phủ các nước thành viên.
Bên cạnh đó, lãnh đạo một số quốc gia và tổ chức quốc tế khác cũng được mời tham dự hội nghị, trong đó có nước chủ tịch ASEAN và chủ tịch Liên minh châu Phi (AU).
Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức bởi quốc gia chủ tịch của nhóm. Trong năm nay, cương vị này thuộc về Indonesia.
Những ai sẽ tham dự?
Đa số quốc gia thành viên G20 sẽ cử nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ tham dự hội nghị năm nay.
Dù vậy, một số quốc gia cử đại diện ở cấp độ thấp hơn. Tổng thống Nga Vladimir Putin không tới Indonesia mà cử Ngoại trưởng Sergei Lavrov tham dự thay mình, dù Moscow trước đó từng cho biết ông Putin có kế hoạch tới Indonesia. Hôm 27/10, ông Putin tuyên bố ông “có thể” tham dự, nhưng “sẽ nghĩ về điều này”, theo TASS.
Tương tự, Ngoại trưởng Marcelo Ebrard sẽ là đại diện của Mexico tại hội nghị. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người vừa thất bại trong cuộc đua giành lấy nhiệm kỳ thứ hai, cũng sẽ không tham dự hội nghị.
Danh sách khách mời năm nay bao gồm: Campuchia (Chủ tịch ASEAN), Fiji (Chủ tịch Diễn đàn Quốc đảo Thái Bình Dương, Rwanda (Chủ tịch chương trình Đối tác mới vì sự phát triển của châu Phi - NEPAD), Senegal (Chủ tịch Liên minh châu Phi), Suriname (Chủ tịch Cộng đồng Caribe - CARICOM), Hà Lan, Tây Ban Nha, Singapore, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng sẽ tham dự, nhưng theo hình thức trực tuyến, theo Reuters. Hồi tháng 4, ông Zelensky cho biết người đồng cấp Indonesia Joko Widodo đã mời ông tới dự hội nghị năm nay. Trước đó, bộ trưởng Tài chính Ukraine cũng đã tham dự cuộc họp của các quan chức tài chính G20 ở Washington, Mỹ với tư cách khách mời.
Điều gì sẽ được thảo luận?
Trong hội nghị thượng đỉnh năm nay, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận hàng loạt vấn đề, vốn đòi hỏi sự đồng thuận để các bên có thể có hành động chung.
Thông thường, lĩnh vực kinh tế và tài chính sẽ “chiếm sóng” nhiều nhất trong hội nghị. Tuy vậy, nhiều vấn đề khác cũng dự kiến được đề cập tới, từ đại dịch Covid-19 tới cuộc xung đột tại Ukraine.
Nước chủ nhà G20 Indonesia mong muốn đưa chương trình nghị sự xoay quanh ba trụ cột phục hồi kinh tế vĩ mô sau đại dịch: Kiến trúc hệ thống y tế toàn cầu, chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng bền vững.
Sau hai ngày họp, các nước thành viên G20 được kỳ vọng sẽ đưa ra được tuyên bố chung, trong đó khẳng định cam kết hành động của các nước thành viên - dù văn bản này không có giá trị ràng buộc về pháp lý.
Điều gì diễn ra bên lề hội nghị?
Bên cạnh các phiên họp chính thức, các cuộc gặp gỡ bên lề hội nghị cũng là điều được giới quan sát quốc tế trông đợi.
Trong đó, sự kiện được chú ý nhất sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông Biden nhậm chức tháng 1/2021. Trong gần hai năm qua, hai nhà lãnh đạo mới chỉ trao đổi qua điện đàm.
Theo tiết lộ từ phía Mỹ, các vấn đề hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận trong cuộc gặp tại Bali (Indonesia) sắp tới gồm Triều Tiên, tình hình Đài Loan, thương mại hay quan hệ Trung - Nga.
Nhiều nhà phân tích quan hệ quốc tế đề cao vai trò của quan hệ cá nhân giữa giới lãnh đạo trong xây dựng chính sách đối ngoại. Do đó, G20 là cơ hội quý báu để các nhà hoạch định chính sách cấp cao nhất gặp mặt lẫn nhau và xây dựng quan hệ với những người đồng cấp.