IAEA tìm giải pháp khả thi trong điều trị ung thư
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 30/11 đã kêu gọi các nhà khoa học công nghệ và công nghiệp chế tạo trên thế giới đẩy mạnh nỗ lực tìm giải pháp khả thi trong việc điều trị bệnh ung thư tại các nước đang phát triển.
Theo IAEA, các nhà khoa học và công nghiệp chế tạo qua trung gian IAEA đã thương lượng nhằm tìm ra một giải pháp khả thi để có thể sản xuất máy xạ trị với giá thành thấp.
Hiện nay, chi phí để thiết lập một trung tâm xạ trị với đầy đủ máy móc và các thiết bị hỗ trợ kèm theo lên tới 3 triệu USD. Trong khi đó, mục tiêu mà IAEA đặt ra từ năm 2009 là chi phí cả gói gồm máy xạ trị, chi phí đào tạo nhân viên y tế vận hành máy, chi phí bảo dưỡng cũng như hệ thống hỗ trợ giúp các bác sĩ quyết định liệu pháp xạ trị hiệu quả nhất cho từng loại ung thư không vượt quá 1 triệu USD đối với các nước nghèo.
Mặc dù giá thành máy xạ trị hiện đã giảm mạnh nhưng vẫn chưa thể đáp ứng mục tiêu 1 triệu USD. Ngoài ra, các nhà chế tạo máy xạ trị còn phải tính đến các biến số khác ở các nước đang phát triển như nhiệt độ, sự cung ứng điện không ổn định cũng như chất lượng nguồn nước được sử dụng cho máy xạ trị.
Bên cạnh đó, nhóm cố vấn về tăng cường tiếp cận công nghệ xạ trị ở các nước đang phát triển (AGaRT) gồm các nhà khoa học và công nghiệp chế tạo quốc tế vừa kết thúc phiên tham vấn thứ hai, trong đó các nhà công nghiệp chế tạo máy xạ trị từ Canada, Séc, Đức, Ấn Độ và Anh đã đưa ra nhiều ý tưởng mới trong việc điều trị bệnh ung thư ở các nước đang phát triển.
Ông Jean-Pierre Cayol, Giám đốc Chương trình hành động của IAEA về liệu pháp xạ trị (PACT), khẳng định các nghiên cứu của AGaRT đã đi đúng hướng.
Theo số liệu của IAEA, hiện có hơn 50% bệnh nhân bị ung thư do nhiều nguyên nhân khác nhau đang cần được điều trị xạ trị. Trong khi đó, một máy xạ trị hiện nay chỉ có thể điều trị nhiều nhất 500 bệnh nhân mỗi năm. Do đó, để đáp ứng nhu cầu xạ trị của số lượng bệnh nhân ung thư đang tăng vọt ở các nước đang phát triển, các quốc gia này cần thêm ít nhất 5.000 máy xạ trị, chưa kể trong đó trên 20 nước đang phát triển hiện vẫn chưa có một máy xạ trị nào.
Việc tăng được số lượng máy xạ trị sẽ tạo điều kiện cho các bệnh nhân ung thư tại các nước nghèo không phải di chuyển quá xa ở trong nước hay phải ra nước ngoài để điều trị.