Kẽm giúp trẻ mắc bệnh nhiễm trùng hồi phục nhanh
Một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Ấn Độ, đăng tải trên tờ The Lancet số ra ngày 31/5 đã chỉ ra tác dụng của kẽm trong việc đẩy nhanh quá trình điều trị và hồi phục ở trẻ sơ sinh mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi và viêm màng não.
Các bác sỹ Ấn Độ đã tiến hành nghiên cứu trên 655 trẻ sơ sinh từ một tuần tuổi đến bốn tháng tuổi tại các bệnh viện ở thủ đô New Delhi nhằm đánh giá tác dụng của kẽm. Theo đó, nhóm 332 trẻ được điều trị bằng thuốc kháng sinh được cung cấp 10mg kẽm mỗi ngày, trong khi nhóm còn lại được cung cấp một loại thuốc trấn an (placebo) kèm theo các loại thuốc kháng sinh truyền thống.
Kết quả cho thấy ở những trẻ được bổ sung kẽm mỗi ngày, nguy cơ điều trị không hiệu quả thấp hơn tới 40% so với nhóm trẻ còn lại. Điều đó đồng nghĩa nguy cơ phải tiếp tục điều trị bằng thuốc kháng sinh thêm một tuần nữa, hay cần được chăm sóc đặc biệt ở những trẻ được bổ sung kẽm là thấp hơn.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy trong số trường hợp điều trị không thành công ở trẻ em dùng kẽm là 34 trường hợp, trong khi đó con số này ở nhóm còn lại là 55.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu Shinjini Bhatnagar đến từ Viện Khoa học Y tế Ấn Độ, bổ sung kẽm là một liệu pháp chi phí thấp nhưng lại giúp phát huy hiệu quả điều trị bằng kháng sinh, và do đó giúp giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Các chuyên gia y tế cũng cho rằng kẽm là một lựa chọn thông minh trong quá trình điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn ở trẻ, đặc biệt tại các nước đang phát triển - nơi hàng năm có khoảng bảy triệu trẻ em tử vong cũng như việc điều trị bằng kháng sinh lâu dài và chăm sóc sức khỏe đặc biệt còn hạn chế. Bên cạnh đó, kẽm có thể được chế biến dưới dạng siro hoặc viên nén và cũng dễ hấp thụ.
Các nghiên cứu trước đó cũng chỉ ra rằng việc bổ sung kẽm giúp hỗ trợ điều trị bệnh tiêu chảy và viêm phổi ở trẻ dưới năm tuổi. Mặc dù đến nay vẫn chưa có lời giải về cơ chế phát tác của kẽm, song theo nhóm nghiên cứu, kẽm có thể thúc đẩy khả năng hồi phục của trẻ bằng cách tăng cường hệ miễn dịch đồng thời khống chế tình trạng sưng viêm ở trẻ nhỏ.