Khám phá nền văn minh hiến tế trẻ em để ngăn El Nino
Các nhà nghiên cứu phát hiện người Chimú đã hiến tế hàng trăm trẻ nhỏ để cầu xin thần linh ngăn mưa lớn do hiện tượng El Nino gây ra.
Trong khi nhiều nhà khoa học cho rằng tác động của chu kỳ El Nino ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu, bằng chứng khảo cổ cho thấy hiện tượng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống ở Peru trong hơn 1.000 năm. Các cộng đồng trong quá khứ chật vật đương đầu với tác động của nó thông qua cả kỹ thuật thực tiễn trên mặt đất lẫn cầu cứu những vị thần về mặt tâm linh, cụ thể bằng cách hiến tế trẻ em với số lượng lớn chưa từng thấy trong lịch sử thế giới, theo National Geographic.
Hài cốt trẻ em trong một ngôi mộ ở Chan Chan. (Ảnh: National Geographic)
Từ năm 2011, nhà khảo cổ học người Peru Gabriel Prieto tìm thấy bằng chứng về tập tục hiến tế trẻ em hàng loạt quanh Chan Chan, thành phố xây từ gạch bùn ở miền bắc Peru, đóng vai trò như kinh đô của người Chimú từ thế kỷ 11 cho tới khi đất nước họ bị người Inca xâm chiếm vào năm 1470. Tính đến nay, nhóm nghiên cứu đã phát hiện hơn 250 nạn nhân nhỏ tuổi chết vào khoảng năm 1400 – 1450. Phần lớn bị giải quyết bằng một vết chém nhanh gọn ở ngực và chôn với vải liệm đơn giản cùng lạc đà không bướu non.
Đa số trẻ em Chimú bị hiến tế được khai quật ở di chỉ khảo cổ tại vùng ven biển Peru, nơi lưu giữ bằng chứng rõ ràng của sự kiện El Nino. Đó là lớp bùn cổ đại khô dày chôn xác nạn nhân, chứng tỏ khu vực từng có mưa lớn. Ở vùng ven biển khô cằn phía bắc Peru, kiểu mưa như vậy luôn gắn liền với El Nino, Prieto giải thích.
Người dân Chan Chan sinh sống nhờ hệ thống tưới tiêu quản lý cẩn thận và đánh cá ở ven biển, cả hai hoạt động đều bị xáo trộn bởi nhiệt độ nước biển cao và mưa nặng hạt gắn với hiện tượng khí hậu lặp lại. Theo giả thuyết của nhóm nghiên cứu, El Nino nghiêm trọng có thể làm lung lay sự ổn định về mặt kinh tế và chính trị của vương quốc Chimú. Các thầy tu và nhà cầm quyền có thể ra lệnh hiến tế tập thể trong nỗ lực kêu gọi thần linh ngăn mưa lớn. Jane Eva Baxter, giáo sư nhân chủng học ở Đại học DePaul, người chuyên nghiên cứu lịch sử trẻ em và tuổi thơ, nhấn mạnh người Chimú có thể coi trẻ em như lễ vật giá trị nhất mà họ có thể dâng tặng các vị thần.
Nhu cầu xoa dịu những linh hồn và ngăn mưa lớn do El Nino có thể là vấn đề cấp bách đối với cộng đồng Chimú, nhưng hiến tế tập thể dường như được bố trí rất cẩn thận. Hàng trăm bé trai và bé gái khỏe mạnh được mang đến từ nhiều khu vực trên khắp vương quốc để hiến tế. Lạc đà một bướu non từ đàn gia súc của hoàng gia, cũng được chọn cho sự kiện dựa trên độ tuổi và màu lông của chúng.
Ở di chỉ Huanchaquito-Las Llamas, nơi Prieto và cộng sự John Verano, nhà nhân chủng học sinh vật ở Đại học Tulane, khai quật phần lớn hài cốt nạn nhân nhỏ tuổi trong khoảng năm 2011 – 2018. Các dấu hiệu và bằng chứng pháp y giúp họ phục dựng trình tự sự kiện. Dấu chân và vết tích trên bùn khô hé lộ có một đám rước tới địa điểm hiến tế. Dấn chân trần nhỏ cùng dấu vết của động vật 4 chân bị lôi đi khiến Prieto và Verano cho rằng nạn nhân vẫn còn sống khi đến khu mộ và bị giết chết ở đó. Hài cốt không có xác côn trùng chứng tỏ trẻ em được quấn cẩn thận bằng vải liệm và chôn cùng lạc đà.
Nhóm nghiên cứu không thể xác định tập tục hiến tế có giúp giảm bớt những cơn mưa gây ngập lụt hay không, nhưng sự kiện hé lộ những năm tuyệt vọng cuối cùng của vương quốc trên đà suy tàn. Trong khi các nhà khảo cổ học tiếp tục làm việc quanh Di sản Thế giới Chan Chan, họ có thể tìm thấy nhiều bằng chứng về những nỗ lực đối phó với sức tàn phá của hiện tượng El Nino.